Nuôi cá lồng trên sông mang lại hiệu quả kinh tế cao

Tận dụng tiềm năng, lợi thế về diện tích mặt nước sông Hồng, sông Luộc, những năm gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên đã vận động, hỗ trợ nhân dân phát triển nghề nuôi cá lồng. Mô hình này đã phát huy được hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

Chú thích ảnh
Nuôi cá lồng theo quy trình VietGAP tại xã Tân Hưng (TP Hưng Yên). Ảnh: baohungyen.vn

Trưởng Phòng Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên Vũ Văn Điệp cho biết, Hưng Yên có hệ sông Hồng và sông Luộc chảy qua địa bàn 6 huyện, thành phố với chiều dài 90 km, đây là tiềm năng lớn về diện tích mặt nước để phát triển thủy sản.

Theo ông Vũ Văn Điệp, tận dụng diện tích mặt nước, năm 2019, ngành nông nghiệp tỉnh xây dựng dự án phát triển nghề nuôi cá lồng hướng đến mục tiêu giúp nông dân tiếp cận và áp dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản với mục tiêu tăng năng suất, chất lượng và đảm bảo an toàn cho sản phẩm. Các hộ tham gia dự án sẽ được cán bộ kỹ thuật trực tiếp giám sát, hướng dẫn về kỹ thuật nuôi; phương pháp phòng bệnh, trị bệnh cho thủy sản; theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của đàn cá để đánh giá hiệu quả của dự án.

Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được 450 lồng cá trên sông, trong đó, tỉnh hỗ trợ, chuyển giao khoa học kỹ thuật khoảng 200 lồng, với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng. Hiện nghề nuôi cá lồng trên sông ở tỉnh Hưng Yên tập trung phát triển ở các xã Tân Hưng, phường Lam Sơn (thành phố Hưng Yên); xã Mai Động, Đức Hợp (huyện Kim Động); xã Quang Hưng (huyện Phù Cừ)... 

Nhiều năm qua, Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng, xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên không chỉ nổi tiếng với sản phẩm nhãn lồng mà nơi đây còn được biết đến với thương hiệu “cá lồng” trên sông.

Ông Trần Văn Mý, Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ, nằm ở ngã ba sông Hồng, sông Luộc, xã Tân Hưng được thiên nhiên ban tặng cho vùng đất bãi bồi trú phú, thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, đặc biệt là trồng cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản.

Theo ông Mý, trước đây, vùng bãi bồi ven sông người dân chủ yếu trồng chuối và cây rau màu ngắn ngày. Do sản xuất manh muốn, chủ yếu dựa vào yếu tố tự nhiên nên năng suất hiệu quả không cao. Nhận thấy việc trồng nhãn và nuôi cá lồng mang lại hiệu quả nên năm 2017, ông cùng 17 hộ dân trong thôn đã liên kết thành lập nên Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng.

Ông Mý cho biết, ban đầu, khi mới thành lập Hợp tác xã tập trung vào phát triển cây nhãn trên diện tích 40 ha; trong đó có 30 ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và năm 2020 chính sản phẩm nhãn tươi của hợp tác xã là đơn vị đầu tiên của tỉnh Hưng Yên được xuất khẩu sang thị trường EU.

Sau nhiều lần đi tham quan học hỏi ở nhiều địa phương, năm 2019, hợp tác xã đã triển khai mô hình nuôi cá lồng nhờ sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên. Từ 20 lồng ban đầu, đến nay, hợp tác xã đã phát triển lên 60 lồng cá, chủ yếu là cá trắm, cá chép, cá lăng, cá diêu hồng và cá rô phi.

“Để phù hợp với diện tích nước mặt, các thành viên trong hợp tác xã tự thiết kế nuôi; đồng thời học hỏi kinh nghiệm chăm sóc từ các hộ đi trước. Mỗi chu kỳ cá kéo dài khoảng 15 tháng/lứa, mỗi lồng sẽ cho thu hoạch từ 8-10 tấn. Đầu năm 2023, hợp tác xã đã thu được khoảng 200 tấn cá, cá thu đến đâu thương lái mang đến tiêu thụ đến đó. Dự kiến, cuối năm nay, 60 lồng cá hợp tác xã sẽ cho thu hoạch khoảng 500 tấn, với doanh thu trên 20 tỷ.

Hơn 6 năm Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng thành lập cũng là chừng ấy thời gian ông Trần Văn Pháp ở xã Tân Hưng gắn bó với nghề trồng nhãn, nuôi cá. Ông Pháp chia sẻ, khi tham gia vào hợp tác xã, ông cũng như các thành viên được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả, nuôi cá lồng, điều mà trước đây ông chỉ áp dụng kinh nghiệm để sản xuất nên năng suất, chất lượng không cao. Đặc biệt, hợp tác xã bao tiêu toàn bộ đầu ra cho sản phẩm nên các thành viên yên tâm sản xuất.

Theo ông Pháp, điều quan trọng của việc nuôi cá lồng trên sông là người nuôi phải nắm chắc kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cá, áp dụng tốt biện pháp phòng, chống thiên tai bởi nuôi cá lồng trên sông mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng vốn đầu tư ban đầu lớn, rủi ro cao nhất là vào mùa bão, lũ.

Để phòng bệnh cho cá, anh thường xuyên vệ sinh lưới, giúp cá không bị thiếu oxy, hạn chế việc phát sinh mầm bệnh, khử trùng môi trường nước, sạch mầm bệnh, kiểm soát nguồn thức ăn bảo đảm cho cá phát triển. Mô hình nuôi cá của anh mang lại lợi nhuận gấp nhiều lần so với nuôi cá trong ao truyền thống. Đến nay, gia đình ông đã phát triển được 6 lồng cá, ông Pháp nhẩm tính, trừ chi phí gia đình ông sẽ thu về gần 300 triệu đồng.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Tráng chia sẻ, tỉnh Hưng Yên cũng đã phê duyệt Đề án “Phát triển thủy sản tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020-2025”. Theo đó, đến năm 2025, diện tích nuôi thả thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt trên 6.000 ha, với sản lượng đạt 65.000 tấn. Tỉnh chú trọng đến việc phát nuôi cá sông trong ao nước tĩnh, nuôi cá trong ao bán nổi, nuôi cá lồng trên sông nhằm từng bước nâng cao giá trị của sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Văn Tráng, để nghề nuôi cá lồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên sẽ tiếp tục quy hoạch vùng nuôi, số lượng lồng nuôi, hạn chế số lồng vượt quá quy hoạch; tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu gắn với truy xuất nguồn gốc để tiêu thụ và quảng bá sản phẩm; tập huấn cho hộ nuôi quy trình nuôi cá lồng trên sông theo hướng VietGAP. Đồng thời, tiếp tục xây dựng các mô hình khuyến nông về thủy sản với những giống thủy sản có chất lượng cao, đa dạng về chủng loại, kích cỡ con giống, phù hợp với hình thức nuôi cá lồng trên sông; đẩy mạnh nuôi các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao, đặc sản như cá lăng, chép giòn, trắm đen..

Quang Nhiều (TTXVN)
Tháo gỡ bất cập nghề nuôi cá lồng trên biển
Tháo gỡ bất cập nghề nuôi cá lồng trên biển

Với địa thế là nơi kín gió, kín sóng, môi trường nước ổn định, lại ít bị mưa bão đe dọa, các xã ven biển thị xã Nghi Sơn là nơi duy nhất của tỉnh Thanh Hóa phát triển nghề nuôi cá đặc sản bằng lồng trên biển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN