Theo đại diện Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trưởng Công nghiệp, Bộ Công Thương, ngày 4/7, lưu lượng nước về các hồ chứa thủy điện khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ những ngày qua tăng nhẹ.
Một số hồ chứa ở lưu vực sông, suối nhỏ khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên mực nước cao; khu vực Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ giảm nhẹ so với ngày 3/7, mực nước các hồ nằm trong phạm vi mực nước tối thiểu theo quy định của quy trình vận hành.
Các hồ thủy điện lớn khu vực Bắc Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên đang nâng cao mực nước hồ chứa, phát điện theo quy trình vận hành và huy động phát điện của cơ quan điều hành. Một số hồ vẫn có mực nước thấp như: Thác Bà, Bản Vẽ, Thác Mơ.
Đại diện Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp cho biết, hiện nhiều hồ thủy điện ở khu vực phía Bắc đã vượt mực nước chết. Điển hình như Lai Châu vượt mực nước chết 28,13 m, Sơn La vượt 11,83 m, Tuyên Quang vượt 13,99 m, Bản Chát vượt 16,08 m.
Đáng chú ý, Thủy điện Thác Bà sau thời gian dài phải ngừng 2 tổ máy do nước trong hồ xuống mực nước chết, hiện đã có tín hiệu mừng khi nước trong hồ vượt được mực nước chết hơn 1,03 m. Còn thủy điện Hòa Bình do thiếu nước về hồ, mực nước còn lại trong hồ đã giảm mạnh những ngày qua, chỉ còn cao hơn mực nước chết 19,72 m.
Các hồ thủy điện khu vực Bắc Trung Bộ có lưu lượng về hồ giảm nhẹ so với ngày 3/7: Hồ Trung Sơn: 134 m3/s; Hồ Bản Vẽ: 47 m3/s; Hồ Hủa Na: 43,54 m3/s; Hồ Bình Điền: 7,42 m3/s; Hồ Hương Điền: 5 m3/s.
Dự báo tình hình thủy văn, lưu lượng nước về hồ 24 giờ tới các hồ khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ tăng nhẹ; khu vực Bắc Trung Bộ, duyện hải Nam Trung Bộ giảm.
Theo đại diện Bộ Công Thương, dự kiến thời gian tới, lưu lượng nước về các hồ miền Bắc tiếp tục tăng và có thể đảm bảo cung cấp điện với phụ tải tính toán trung bình khoảng 421-425 triệu kWh/ngày. Trường hợp cực đoan không có lũ về, khu vực miền Bắc vẫn có thể sử dụng lượng nước còn lại trong hồ kết hợp với lưu lượng nước tự nhiên về các hồ để đáp ứng nhu cầu phụ tải, tuy nhiên khả năng tích nước sẽ khó khăn.
Những ngày gần đây, miền Bắc đang phải đối mặt với hiện tượng nắng nóng tăng cường, dự kiến kéo dài đến 12/7, trong đó cao điểm có khả năng rơi vào giai đoạn từ ngày 6 - 8/7. Dự kiến khoảng thời gian nắng nóng trên, phụ tải miền Bắc có thể đạt trung bình khoảng 440 triệu kWh ngày. Cao nhất khoảng 470 triệu kWh/ngày với công suất đỉnh đạt 23.000 MW.
Theo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), trong những ngày nắng nóng vừa qua, sản lượng tiêu thụ điện đã tăng nhanh trở lại gây sức ép cho hệ thống.
Về đảm bảo điện trong những ngày nắng nóng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có văn bản yêu cầu các đơn vị phát điện tập trung nhân lực, vật tư và các điều kiện cần thiết khắc phục, sớm đưa vào vận hành các tổ máy, lò hơi đang bị sự cố tại nhà máy nhiệt điện Phả Lại 1 và 2. Cùng đó, phải khắc phục hiện tượng suy giảm công suất dưới định mức trong quá trình vận hành do sự cố các hệ thống phụ trợ, chất lượng nhiên liệu đầu vào, phát hiện xử lý sớm các bất thường không để xảy ra sự cố, đặc biệt là sự cố chủ quan do lỗi của con người.
EVN yêu cầu các đơn vị phải chuẩn bị sẵn sàng các phương án, nhân lực, vật tư, thiết bị tại nhà máy để xử lý kịp thời nếu sự cố xảy ra nhằm khôi phục vận hành tổ máy trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh đó, thực hiện duy tu bảo dưỡng các nhà máy nhiệt điện để đảm bảo vận hành an toàn, nâng cao độ khả dụng các tổ máy trong thời gian còn lại năm 2023 theo kế hoạch đã được duyệt.
EVN cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc và chịu trách nhiệm toàn diện trong việc thu xếp nguồn than cho sản xuất điện, đảm bảo cung cấp đủ và ổn định cho vận hành nhà máy điện năm 2023 và các năm tiếp theo. Với lượng than vượt so với khối lượng than do Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc cung cấp, chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện chịu trách nhiệm thu xếp để đảm bảo vận hành nhà máy ổn định, tin cậy, an toàn và đáp ứng yêu cầu huy động của A0.
Liên quan đến việc đảm bảo điện trong trường hợp tiêu thụ điện ở miền Bắc tăng đột biến khi nước trong các hồ thủy điện không còn nhiều, EVN cho biết nếu xảy ra tình huống cực đoan như sự cố các nguồn điện lớn ở khu vực miền Bắc, sự cố đường dây truyền tải 500kV Bắc - Trung... có thể sẽ phải tiết giảm điện cục bộ ngắn hạn trong thời gian khắc phục các sự cố.
Theo EVN, qua rà soát sơ bộ, đối với khu vực miền Bắc, dự báo nhu cầu tiêu thụ điện tăng xấp xỉ 10%/năm (tương ứng tăng thêm 2.400-2.900 MW/năm) trong khi các nguồn điện mới dự kiến đưa vào thêm trong năm 2024 khoảng 780 MW, năm 2025 khoảng 1.620 MW. Do đó, việc cấp điện tại miền Bắc tiếp tục gặp nhiều khó khăn đặc biệt giai đoạn cuối mùa khô khi mức nước các hồ thuỷ điện xuống thấp.
EVN đang tính toán, nghiên cứu cẩn trọng và sẽ triển khai các giải pháp để đảm bảo cung ứng điện cũng như sẽ có các kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành. EVN sẽ tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc phải tiết giảm điện trong thời gian qua để rút kinh nghiệm, khắc phục trong thời gian tới.