Đáng chú ý, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng của nhóm lâm sản chính tiếp tục tăng mạnh (18,6%) so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu nông, lâm, thủy sản và vật tư nông nghiệp trong tháng 8 giảm mạnh (trên 9%) so với tháng trước, ước đạt 2,4 tỷ USD. Tính chung 8 tháng, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 20,54 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Như vậy, trong 8 tháng, nông, lâm, thủy sản ước tính xuất siêu 6,04 tỷ USD, cao hơn 660 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.
Về xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản trong tháng 8 ước đạt 3,64 tỷ USD, tăng 5,1% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 26,58 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2018 với 8 nhóm/sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD là: cà phê (2 tỷ USD), cao su (1,3 tỷ USD), gạo (gần 2 tỷ USD), quả (1,96 tỷ USD), tôm (2,1 tỷ USD), cá tra (1,33 tỷ USD), gỗ và sản phẩm gỗ (6,66 tỷ USD).
Về tỷ trọng trong xuất khẩu, nhóm nông sản chính ước đạt 12,4 tỷ USD, chiếm 46,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; lâm sản chính đạt 7,08 tỷ USD, tăng 18,6% và chiếm 26,6%; thủy sản ước đạt 5,52 tỷ USD, giảm 1,2%, chiếm 20,8%.
Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu chính 8 tháng năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước: cao su đạt tăng 7,8%, chè tăng 22,7%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 17,5%; quế tăng 19,3%; mây tre, cói tăng 48,1%.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, trong thời gian tới, thương mại toàn cầu dự báo sẽ tiếp tục suy giảm. Dòng vốn đầu tư toàn cầu tiếp tục chịu ảnh hưởng từ những yếu tố rủi ro như: chính trị, căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế chủ chốt, chính sách bảo hộ… Xuất khẩu nông sản chịu áp lực cạnh tranh lớn và sự gia tăng các rào cản thương mại, nhất là từ thị trường Trung Quốc; giá xuất khẩu một số nông sản chủ lực vẫn còn xu hướng giảm.
Để tiếp tục mở rộng và và phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu; đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu về truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời gian tới tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng, hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một thị trường nhất định; Đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm và xây dựng thương hiệu nông sản, nhất là đối với các nông sản chủ lực vào thị trường Trung Quốc.
Cùng với đó, các ngành chức năng chú trọng quản lý chất lượng, kiểm dịch động thực vật và an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nông, lâm, thủy sản, tăng cường kiểm soát nguồn cung và định hướng sản xuất gắn với tín hiệu thị trường; từng bước nâng cao và ổn định chất lượng nông sản, thủy sản xuất khẩu; tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các hộ nông dân không chỉ về tiêu chuẩn của nước nhập khẩu mà còn về phương thức sản xuất, nuôi trồng phù hợp để đáp ứng các tiêu chuẩn đó.
Bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa nông, lâm, thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu các đơn vị chức năng tiếp tục theo dõi, chỉ đạo sản xuất, chăm sóc, thu hoạch lúa Hè Thu, Thu Đông, Mùa tại các tỉnh phía Nam; chỉ đạo thu hoạch lúa Mùa, gieo cấy cây vụ Đông 2019 tại các tỉnh phía Bắc. Có kế hoạch điều tiết nước tốt, dự trữ đảm bảo đủ cho gieo, cấy và yêu cầu sinh trưởng phát triển lúa Hè Thu, Thu Đông, Mùa; chủ động các phương án phòng chống thiên tai, dịch bệnh ngay từ đầu vụ để hạn chế tối đa thiệt hại cho sản xuất.
Chăn nuôi tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, bệnh tai xanh, bệnh lở mồm long móng. Cục Chăn nuôi hướng dẫn các địa phương áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để tái đàn, mở rộng quy mô đàn lợn ở các vùng, các cơ sở chưa có dịch và có đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học.
Với thuỷ sản, ngành chỉ đạo sản xuất phát triển mạnh nuôi các đối tượng chủ lực, trọng tâm là tôm, cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long; đặc biệt là triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả các khuyến nghị mà Liên minh châu Âu đưa ra đối với Việt Nam để lấy lại “thẻ xanh” và hướng tới phát triển thủy sản biển bền vững.