Chế biến tôm xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Như vậy, tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 4 tháng đầu năm 2018 đạt 12,3 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2017.
Cụ thể, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 6,5 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2017; thuỷ sản 2,4 tỷ USD, tăng 13%; các mặt hàng lâm sản chính 2,7 tỷ USD, tăng 7,9%.
Trong tháng 4, khối lượng gạo xuất khẩu ước đạt 670.000 tấn với giá trị đạt 341 triệu USD. Như vậy, khối lượng xuất khẩu gạo 4 tháng ước đạt 2,16 triệu tấn với 1,1 tỷ USD, tăng 21,7% về khối lượng và tăng 37,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm đạt 501 USD/tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2018 với 29,1% thị phần, đạt 411.600 tấn với 216,6 triệu USD, giảm 21,9% về khối lượng và giảm 11,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Indonesia (gấp 378 lần), Irắc (gấp 16,7 lần), Malaysia (gấp 3,3 lần), Bờ Biển Ngà (67,1%), Gana (57,4%), Hồng Kông (46,2%) và Singapore (24,6%).
Hạt điều vẫn duy trì sự tăng trưởng tốt trong xuất khẩu cả về sản lượng và giá trị. Khối lượng hạt điều xuất khẩu 4 tháng ước đạt 103.000 tấn với 1,04 tỷ USD, tăng 23,1% về khối lượng và tăng 31,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hà Lan vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm thị phần lần lượt là 34,4%, 13,6% và 13,3% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều. Trong 3 tháng đầu năm, trừ Australia, tất cả các thị trường xuất khẩu hạt điều chính của Việt Nam đều tăng mạnh.
Trong tháng này, các mặt hàng rau quả xuất khẩu đạt 353,8 triệu USD. Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá trị xuất khẩu các mặt hàng rau quả đạt trên 1,32 tỷ USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu cà phê đã lấy lại được sự tăng trưởng nhẹ. Trong tháng 4, xuất khẩu cà phê ước đạt 162.000 tấn với giá trị đạt 307 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 4 tháng đạt 691.000 tấn với 1,3 tỷ USD, tăng 18,1% về khối lượng và tăng 0,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với gần 25% thị phần.
Sắn và các sản phẩm từ sắn cũng lấy lại được sự tăng trưởng về giá trị trong khi khối lượng xuất vẫn giảm khá mạnh. Trong 4 tháng, khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn ước đạt 1,1 triệu tấn với 376 triệu USD, giảm 24,7% về khối lượng nhưng tăng 3,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính, chiếm tới trên 88% thị phần.
Mặt hàng cao su vẫn chứng kiến sự giảm mạnh về giá trị xuất khẩu. Khối lượng xuất khẩu cao su 4 tháng ước đạt 324.000 tấn với 476 triệu USD, tăng 7,6% về khối lượng nhưng giảm 21,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Chung tình cảnh với cao su, còn có tiêu, khối lượng tiêu xuất khẩu 4 tháng ước đạt 88.000 tấn với 311 triệu USD, tăng 15,5% về khối lượng nhưng giảm 33,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước giá trị nhập khẩu nông lâm thủy sản tháng 4 đạt 2,57 tỷ USD. Như vậy, tổng giá trị nhập khẩu nông lâm thủy sản 4 tháng đầu năm đạt 9,5 tỷ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2017.