Nông dân Tuyên Quang ồ ạt phế canh mía

Từng là loại cây giúp hàng nghìn hộ dân ở Tuyên Quang thoát nghèo, ổn định cuộc sống, nhưng đến thời điểm này, cây mía không còn giữ được vị thế là cây chủ lực để phát triển kinh tế ở nơi này nữa.

Chú thích ảnh
 Nhiều diện tích trồng mía ở tỉnh Tuyên Quang bị người dân phế canh để trồng rừng. 

Thực tế cho thấy, niên vụ 2019-2020, diện tích mía nguyên liệu của tỉnh Tuyên Quang đã giảm từ 8.470 ha (niên vụ 2018-2019) xuống còn hơn 4.540 ha, tổng diện tích mía nguyên liệu bị phế canh hơn 3.600 ha.

Niên vụ 2018-2019, xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang có 71 ha mía nguyên liệu nhưng sang niên vụ 2019 - 2020 diện tích mía nguyên liệu của xã đã giảm xuống còn 31 ha (giảm 40 ha). Những diện tích mía bị phế canh người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây màu, cây ngắn ngày hoặc cây ăn quả có múi.

Ông Trương Ngọc Khởi, Chủ tịch UBND xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang cho biết, từ năm 1999 đến nay, cây mía vẫn luôn là loại cây được xã xác định là cây chủ lực để giúp người dân xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Nhưng niên vụ 2019-2020, nhân dân đã phế canh 40 ha do niên vụ 2018-2019 giá mía nguyên liệu đã giảm xuống còn 800 đồng/kg. Bên cạnh đó, những năm gần đây nhiều người dân trong xã đi lao động tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh dẫn đến thiếu lao động trồng, chăm sóc mía nên người dân đã bỏ cây mía chuyển sang các cây trồng khác.

Trước tình hình trên, UBND xã Tú Thịnh đã mời đại diện của Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương (Tuyên Quang) tổ chức hội nghị đối thoại với người dân nhân dân nhằm giúp người dân hiểu rõ hơn về những khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của công ty. Qua đối thoại, công ty cũng đã cam kết với người dân thực hiện duy trì thu mua mía nguyên theo hợp đồng và thực hiện thu mua hết diện tích mía đã trồng trong niên vụ 2019 - 2020.

Niên vụ 2018 - 2019, gia đình bà Nguyễn Thị Ngâm, thôn Hoàng Lâu, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang có hơn 1 ha mía nhưng đến nay 1 nửa diện tích trước đây trồng mía đã chuyển sang trồng keo.

Bà Nguyễn Thị Ngâm cho biết, trước đây trồng mía cho thu nhập ổn định nhưng năm nay giá mía xuống chỉ còn 800 đồng/kg, trừ hết chi phí người trồng mía gần như không có lãi. Gia đình bà không có người làm nên chuyển sang trồng cây keo cho đỡ công chăm sóc.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, địa phương có diện tích mía bị phế canh lớn nhất là huyện Chiêm Hóa với hơn 1.200 ha; huyện Sơn Dương hơn 1.000 ha; huyện Yên Sơn 871 ha; huyện Hàm Yên gần 300 ha; thành phố Tuyên Quang gần 124 ha; huyện Lâm Bình 23,8 ha và huyện Na Hang 18,6 ha.

Nguyên nhân khiến diện tích mía nguyên liệu tại Tuyên Quang giảm mạnh do Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương đang gặp nhiều khó khăn vì lượng đường tồn kho lớn không tiêu thụ được dẫn đến thiếu tiền mặt để chi trả và chậm thanh toán tiền mua mía nguyên liệu cho nông dân. Bên cạnh đó, việc Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương giảm giá thu mua mía nguyên liệu cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người dân phế canh cây mía.

Ngoài ra, hiệu quả thu nhập của cây mía giảm và thấp hơn một số cây trồng khác, do vậy nhiều hộ đã phá bỏ mía chuyển sang trồng các cây trồng khác khiến diện tích mía phế canh tăng cao... Cơ cấu giống mía chưa phù hợp với khả năng ép và kế hoạch ép của nhà máy, nhóm giống chín sớm, chín chính vụ chiếm tới 87,3%; nhóm giống chín muộn chỉ có 12,7% diện tích toàn vùng…

Chú thích ảnh
Người dân xã Kháng Nhật (Sơn Dương, Sơn La) chăm sóc mía.

Ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc sở Nông Nghiệp tỉnh Tuyên Quang cho biết, nhu cầu của Nhà máy mía đường Sơn Dương phải cần trên 10.000 ha mía nguyên liệu để đáp ứng được công suất dây truyền sản xuất của nhà máy. Tuy nhiên, hiện nay diện tích mía nguyên liệu của tỉnh chỉ khoảng 5.000 ha chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất đường của nhà máy.

Trước mắt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương và các huyện, thành phố thực hiện hướng dẫn người dân thâm canh tăng năng suất để bù vào diện tích và sản lượng thiếu hụt.

Để phát triển ổn định vùng nguyên liệu mía, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang đang tổ chức rà soát lại diện tích trồng mía, để làm căn cứ đề nghị điều chỉnh lại quy hoạch, kế hoạch vùng nguyên liệu mía của tỉnh cho phù hợp với tình hình sản xuất hiện nay.

Bên cạnh đó, Sở tiếp tục phát huy lợi thế vùng chuyên canh cây mía cao, trọng tâm thực hiện dồn điền, tích tụ ruộng đất để xây dựng “cánh đồng mía lớn”, giảm dần diện tích mía manh mún đồi dốc cao; ứng dụng khoa học kỹ thuật, tạo đột phá về giống, cơ giới hóa, phân bón, tưới tiêu… nhằm tăng năng suất, giảm tổn thất sau thu hoạch. Đồng thời, chuẩn bị tốt nguồn lực tài chính để niên vụ ép 2019 - 2020 đảm bảo tiến độ giải ngân tiền mua mía nguyên liệu  cho các hộ theo đúng hợp đồng.

Bài và ảnh: Quang Cường (TTXVN)
Hàng trăm hộ trồng mía ở Trà Vinh không tái vụ do thua lỗ
Hàng trăm hộ trồng mía ở Trà Vinh không tái vụ do thua lỗ

Do nhiều vụ sản xuất gần đây liên tục bị thua lỗ nên niên vụ mía 2019-2020, hàng trăm hộ trồng mía ở vùng mía nguyên liệu Trà Cú (Trà Vinh) không tái vụ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN