Nông dân tự cứu mình bằng mang 'thịt lợn nhà nuôi' lên TP Hồ Chí Minh bán lẻ

Gần 2 tháng sau khi chiến dịch “giải cứu” lợn đầu tiên được phát động, giá lợn hơi tại các tỉnh Đông Nam bộ đã nhích lên rất ít trong thời gian ngắn rồi lại tụt xuống, khiến người chăn nuôi lợn đang phải vất vả đi tìm đầu ra. Theo đó, để “vớt vát” lấy chút vốn, nhiều hộ chăn nuôi tại các tỉnh Đông Nam bộ đã lặn lội mang thịt lợn lên TP Hồ Chí Minh tiêu thụ và rầm rộ treo biển "lợn nhà" hay “thịt lợn nhà nuôi” để thu hút khách hàng.

Ghi nhận tại các tuyến đường Nguyễn Duy Trinh (quận 2), Đỗ Xuân Hợp, Tăng Nhơn Phú (quận 9), Đặng Văn Bi (quận Thủ Đức)… không khó bắt gặp hình ảnh người dân bày bán "lợn nhà" hay "thịt lợn nhà nuôi" dọc hai bên đường. Theo ghi nhận của phóng viên, các sạp bán thịt lợn này đa số đều tự phát và thường có tấm bảng viết sơ xài “heo (lợn) nhà nuôi, đồng giá 40.000 – 60.000 đồng/kg” thu hút khá đông người tiêu dùng ghé mua.

Nhiều hộ chăn nuôi ở Đồng Nai mang thịt lợn lên TP Hồ Chí Minh bán lẻ để mong "vớt vát" chút vốn.

Chị Nguyễn Thị Lanh, ngụ ở huyện Thống Nhất (Đồng Nai) cho biết, trại lợn nhà chị Lanh đang có gần 600 con lợn phải xuất chuồng nhưng do thương lái không thu mua nên hàng ngày chị Lanh phải lặn lội gần 100 km lên chợ Hoa Cau (quận 9) để bán dần số lợn đang tồn kho. Mỗi ngày ở chợ này, chị Lanh bán ra khoảng 100 - 110 kg thịt lợn, với giá bán khoảng 60.000 đồng/kg các loại.


Chị Lanh cho biết: "Ngày trước khi thương lái ồ ạt đến “đặt hàng” của nông dân trong huyện, gia đình nhà tôi cũng tranh thủ đầu tư mở rộng chuồng trại nhưng khi đàn lợn đến ngày xuất chuồng thương lái lại “phá hợp đồng” không thu mua khiến cho nên chúng tôi phải chia nhau đi tìm đầu ra cho đàn lợn. Được người họ hàng mách mối mang thịt lợn lên TP Hồ Chí Minh tiêu thụ do nơi đây có đông dân cư nên gần 1 tháng nay tôi đã quen chở thịt lợn lên chợ Hoa Cau bày bán. Thịt lợn nhà tôi là lợn tơ chỉ khoảng 100 kg – 120 kg/con nên khá ngon và cũng thu hút khá tốt người tiêu dùng”.


Cùng cảnh ngộ với gia đình chị Lanh, gia đình anh Minh Quang, ở huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) cũng hàng ngày chở thịt lợn lên TP Hồ Chí Minh bày bán ở đường Tăng Nhơn Phú (quận 9). Do lợn nhà anh là lợn quá lứa (cân nặng khoảng 200 – 220 kg) nên giá lợn của anh chỉ bán được khoảng 40.000 đồng/kg.


Tại Đồng Nai, nơi được xem là thủ phủ của ngành chăn nuôi lợn của miền Đông Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung, những ngày gần đây giá lợn hơi trên thị trường không những không thể vực dậy mốc 30.000 đồng/kg như kỳ vọng, trái lại đang có xu hướng giảm thêm. Giá lợn hơi vẫn ở mức thấp, dao động từ 23.000 - 25.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi đang lỗ 1,5 - 2 triệu đồng mỗi con lợn.


Theo các cơ quan chức năng, xuất phát từ giá thịt lợn quá rẻ nên gần đây trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai thường xuất hiện những điểm bán thịt lợn do người dân tự giết mổ bày bán với giá từ 40.000 - 60.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do các thương lái mua lợn hơi với giá quá thấp hoặc không nhập hàng nên các hộ chăn nuôi đành tự mổ lợn và bán cho khách hàng vãng lai tại một số tuyến đường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai nhằm “vớt vát” chút vốn.

Những người chăn nuôi ở Đồng Nai tự mang "heo nhà" lên TP Hồ Chí Minh bán.

Sau khi hàng loạt người dân ở Đồng Nai đổ xô về TP Hồ Chí Minh bán thịt lợn dạo tại các chợ lẻ, các tuyến đường vào thành phố, nhiều tiểu thương tại các chợ lẻ trên địa bàn cũng đua nhau hạ giá để kéo khách. 


Nếu như trước kia giá thịt tại chợ truyền thống dao động từ 100.000 - 120.000 đồng/kg (tùy loại) thì nay cũng giảm còn 40.000 – 65.000 đồng/kg. Không những giảm giá, nhiều tiểu thương cũng “bắt chước” các hộ chăn nuôi treo bảng “thịt lợn nhà nuôi” mặc dù những loại thịt lợn này đa số được các tiểu thương nhập về từ chợ đầu mối, từ các trang trại ở các tỉnh lân cận TP Hồ Chí Minh.


Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, chiến dịch giải cứu lợn chỉ mới dừng lại ở việc tiêu thụ và tác động để các thương lái không có lý do ép giá người nuôi và người tiêu dùng để hưởng lợi, chứ chưa giúp người dân có lãi. Số lượng lợn được giải cứu vẫn còn rất nhỏ so với số lợn đến kỳ xuất chuồng cho nên nhiều hộ chăn nuôi đành phải “tự cứu mình”, có hộ tự đem thịt lợn đi tiêu thụ ở các tỉnh lân cận có đông dân cư như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương…


Theo thống kê của Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, hiện nay tỉnh vẫn còn khoảng 260.000 con lợn thịt. Trong số này, lượng lợn nuôi nhỏ lẻ trong dân chiếm 30%, tương đương 80.000 con, còn lại là nuôi theo hình thức trang trại. Các huyện có lượng lợn thịt tồn lớn nhất là Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Vĩnh Cửu và Long Thành.


Nguyễn Hoàng/Báo Tin Tức
Phát hiện gần nửa tấn thịt lợn thối được cất giữ trong tủ đông
Phát hiện gần nửa tấn thịt lợn thối được cất giữ trong tủ đông

Sáng 23/6, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Bình Phước phối hợp với Công an huyện Phú Riềng và Chi cục Thú y tỉnh Bình Phước bất ngờ kiểm tra cơ sở giết mổ lợn của bà Phạm Thị Oanh, ở thôn Long Tân, xã Bù Nho, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN