Ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú cho biết, đến đầu tháng 6/2022, toàn huyện có 830 hộ đã thả nuôi khoảng 57 triệu con cá lóc giống với diện tích hơn 150 ha mặt nước ao, đạt 34% diện nuôi cá lóc của huyện trong năm 2021.
Theo ông Huỳnh Văn Thảo, nông dân nuôi cá lóc trong huyện ở mùa vụ năm nay không tập trung thả giống mặc dù nguồn nước ngọt trên các sông, kênh mương dồi dào và thời tiết có mưa nhiều rất thuận lợi cho việc thả nuôi cá lóc giống. Nông dân không thả nuôi cá lóc giống ồ ạt là rút kinh nghiệm qua nhiều năm giá cá lóc thương phẩm không ổn định, thường khi vào mùa vụ thu hoạch tập trung, cung vượt cầu nên giá cá lóc thương phẩm bị giảm thấp.
Ông Nguyễn Văn Mến, ở xã Đại An, huyện Trà Cú cho biết, đa số nông dân ở Trà Cú nuôi cá lóc qua nhiều năm đã nắm vững được kỹ thuật, nhất là hạn chế thấp nhất tình trạng ô nhiễm nguồn nước ao nuôi, nên cá ít bị nhiễm bệnh, mau lớn, giảm được giá thành. Tuy nhiên, do cá lóc thương phẩm chủ yếu cung ứng thị trường nội địa nên giá cá không ổn định.
Rút kinh nghiệm, từ năm 2021, nông dân nuôi các lóc đã chọn phương cách thả con giống luân canh để giảm thu hoạch tập trung, tránh tình trạng bị rớt giá dẫn đến thua lỗ. Năm nay, nhiều nông dân nuôi cá trong huyện còn đầu tư đào thêm ao dự phòng để khi thu hoạch chọn cá chưa đạt kích cỡ thả nuôi tiếp nhằm bán được giá cao.
Ông Mến cho biết thêm, từ đầu tháng 6 đến nay, giá cá lóc thương phẩm đã tăng từ mức 32.000/kg lên 35.000 – 36.000 đống/kg. Với mức giá này, nông dân nuôi cá lóc có lãi bình quân 5.000 đồng/kg.