Với giá bán này, người nuôi đạt lợi nhuận từ 10.000-12.000 đồng/kg cá lóc thương phẩm.
Ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú cho biết, địa phương có tổng diện tích nuôi cá lóc nhiều nhất tỉnh, với khoảng 200 ha, chiếm hơn 80% diện tích nuôi cá lóc của tỉnh.
Từ đầu năm đến nay, toàn huyện có gần 500 hộ thả nuôi hơn 59 triệu con giống cá lóc trên diện tích 127 ha, sản lượng thu hoạch đạt hơn 15.689 tấn. Nhiều tháng qua, từ khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, cá lóc nuôi thương phẩm rất hút hàng, giá luôn ổn định ở mức cao, từ 37.000-42.000 đồng/kg nên người nuôi thu được lợi nhuận khá.
Tuy giá cá lóc nuôi tăng nhưng ngành nông nghiệp huyện cảnh báo nông dân thận trọng trong mở rộng diện tích. Bởi cá lóc hiện chủ yếu được tiêu thụ nội địa, một số ít được xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Campuchia. Do vậy, nếu nông dân ồ ạt mở rộng diện tích nuôi cá lóc tự phát dễ dẫn đến cung vượt cầu, giá cá xuống thấp. Cùng với đó là nguy cơ ô nhiễm môi trường do hạ tầng địa phương chưa được đầu tư đồng bộ.
Để nghề nuôi cá lóc phát triển bền vững ở Trà Vinh, ông Trần Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh cho rằng, ngành nông nghiệp tỉnh cần có quy hoạch vùng nuôi cá lóc tập trung để đầu tư hạ tầng đồng bộ.
Hơn nữa, các địa phương không phát triển các hộ nuôi cá lóc quy mô nhỏ. Đặc biệt, ngành nông nghiệp cần chú ý các kênh cấp thoát nước riêng biệt để hạn chế việc tự gây ô nhiễm môi trường giữa các hộ nuôi với nhau, giảm thiểu rủi ro trong quá trình sản xuất của nông dân.