Nông dân nô nức xuống đồng đầu năm

Hòa chung không khí náo nức sản xuất đầu xuân, nông dân miền Bắc đã khẩn trương xuống đồng vào mùa vụ mới. Còn tại miền Nam, lúa đông xuân đang trong giai đoạn trổ chín, người dân xuống đồng thu hoạch một vụ mùa bội thu.

Khẩn trương xuống đồng

Từ ngày mùng 5 Tết, trên khắp cánh đồng của thôn Rỗ (Thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương), không khí sản xuất đầu năm đã trở nên hối hả. Người be bờ, người tát nước, người cấy, người san mặt ruộng…

Vợ chồng anh Đỗ Đức Hoàn (Thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) đã ra đồng từ sáng mùng 4 Tết để cấy, tranh thủ những ngày sau Tết trời ấm lên. Vừa thoăn thoắt tay cấy, anh Hoàn cho biết, vụ xuân năm nay, vợ chồng anh sẽ cấy 3 sào lúa nếp. Nhiệt độ khoảng 25oC là rất thích hợp cho cây lúa sinh trưởng, phát triển.

Dân xuống đồng chuẩn bị cho mùa vụ mới tại Hải Dương.

Để phục vụ kịp thời cho việc làm đất, gieo cấy của nhà nông, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thị trấn Gia Lộc đã cắt cử người thường xuyên giám sát đồng ruộng. Ông Bùi Khắc Hải, người phụ trách tưới tiêu của hợp tác xã Gia Lộc cho biết: “Từ ngày mùng 1 Tết, chúng tôi đã thường xuyên ra thăm đồng để kịp thời bơm nước, dẫn nước vào ruộng, đảm bảo cho mặt ruộng không bị khô. So với vụ xuân năm ngoái, năm nay lịch cấy muộn hơn”.

Cùng với nông dân Gia Lộc, bà con nông dân nhiều huyện như Kim Thành, Thanh Miện… đã bước vào sản xuất từ ngày mùng 3 Tết. Đến ngày mùng 5, mùng 6 thì trên những cánh đồng, tinh thần sản xuất đầu xuân rất khí thế.

Tại Hải Phòng, người dân cũng đang tích cực chuẩn bị để gieo cấy sau rằm tháng giêng. Ông Vũ Trọng Trung, xã Minh Tân, Huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng cho biết, từ mùng 3 Tết, bà con đã ra đồng để mở nilon cho mạ phát triển trong điều kiện thời tiết nắng ấm. Trước Tết, thời tiết rét đậm khiến mạ không lớn được, nhiều gia đình không che phủ nilon nên mạ chết rét, phải gieo lại để kịp thời vụ. Sau rằm toàn xã sẽ cấy đồng loạt theo hướng dẫn của hợp tác xã Minh Khai.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hải Phòng, để chủ động khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, từ ngày mồng 4 Tết Bính Thân, Sở đã cử cán bộ về các địa phương hướng dẫn nông dân gieo mạ bổ sung, sử dụng các loại phân vi sinh để bón cho cây mạ phát triển nhanh, đáp ứng yêu cầu thời vụ sản xuất. Theo đó, ngành khuyến cáo nông dân nên sử dụng các giống lúa thuần, lúa lai ngắn ngày. Đối với diện tích mạ sân, mạ khay và mạ dày xúc, nông dân cần che phủ nilon bảo đảm đúng kỹ thuật để mạ phát triển nhanh, bảo đảm chất lượng phục vụ cấy hết diện tích trong khung thời vụ tốt nhất.
Đối phó với xâm nhập mặn

Theo Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian lấy nước đợt 3, phục vụ gieo cấy lúa vụ đông xuân 2015-2016, khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ bắt đầu từ từ 0 giờ ngày 16/2 đến 24 giờ ngày 23/2/2016 (8 ngày).

Tại các tỉnh miền Nam, lúa đông xuân đang trong giai đoạn trổ và chín, chuẩn bị vào giai đoạn thu hoạch ngay thời điểm sau Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, một số tỉnh đang phải đối phó với tình trạng xâm nhập mặn, đạo ôn.

Anh Nguyễn Minh Hiếu, ở xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang cho biết, từ ngày mùng 2 Tết tôi đã ra thăm đồng. Chúng tôi có hơn 30 công ruộng (3 ha) lúa Jasmine đang giai đoạn trổ bông khá tốt. Năm mới 2016, hy vọng chúng tôi tiếp tục được tham gia vào các chuỗi liên kết nông nghiệp bền vững của Tập đoàn Lộc Trời, để người nông dân không phải lo về đầu ra của hạt lúa, không sợ “trúng mùa rớt giá”, vì có hợp đồng về bao tiêu sản phẩm với công ty, được công ty hỗ trợ giống, kỹ thuật… sấy miễn phí, gửi lúa vào kho miễn phí…

Còn đối với ông Nguyễn Văn Nọt, ở ấp Tây Bình B (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang), năm nay ông ra đồng từ ngày mùng 4 Tết, năm nay ông Nọt làm 2 ha lúa IR50404, hiện nay lúa đang sắp đến ngày thu hoạch. Theo ông Nọt, so với mọi năm, năng suất vụ đông xuân năm nay kém hơn, do thời tiết thất thường; ruộng nào tốt ước năng suất khoảng 900kg/công ruộng (1.000m2); giá thương lái mua tại đồng ở thời điểm hiện tại là 4.400/kg lúa tươi. Sang năm mới, ông Nọt cũng như nhiều nông dân khác mong muốn Nhà nước có biện pháp hỗ trợ đầu ra cho hạt lúa, giá lúa cao hơn một chút để đời sống bà con đỡ vất vả.

Bên cạnh việc thu hoạch lúa đông xuân, một số tỉnh phía Nam cũng đang khuyến cáo người nông dân có các biện pháp đối phó với tình trạng xâm nhập mặn. Theo Sở NN&PTNT Tiền Giang, vụ đông xuân 2015 - 2016, trên đồng còn khoảng 33.000 ha lúa đông xuân đang giai đoạn trổ và chín sẽ cho thu hoạch ngay sau Tết Nguyên đán. Diện tích còn lại ở giai đoạn đẻ nhánh, đứng cái và làm đòng. Cùng với khẩn trương thu hoạch trà lúa đông xuân đang chín tới, các nông dân cần có các biện pháp khẩn cấp đối phó với hạn mặn đang diễn biến phức tạp đe dọa gây nhiều thiệt hại cho trà lúa đông xuân nội đồng vùng dự án ngọt hóa Gò Công.

Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (Sở NN&PTNT Tiền Giang) cho biết, tỉnh đã tổ chức 311 điểm bơm chuyền hai cấp khẩn cấp lấy nước chống hạn cho trên 10.000 ha nằm trong những vùng xa nguồn nước đang đặc biệt khó khăn. Tuy vậy, trước mắt đã có trên 600 ha lúa ở cuối nguồn các tuyến kênh trục dẫn nước và nằm ven biển Gò Công thuộc huyện Gò Công Đông bị chết do hạn hán và nhiễm mặn, nhiễm phèn.

Còn tại Phú Yên, bệnh đạo ôn bùng phát gây hại trên 318 ha lúa đông xuân trong giai đoạn đẻ nhánh; tập trung tại các huyện Đồng Xuân, Tuy An và thành phố Tuy Hòa. Nhiều cánh đồng bị bệnh đạo ôn gây hại nặng nên nông dân đã ra đồng sớm để chăm sóc lúa.

Ông Trần Văn Tiến, xã An Ninh Đông cho hay, trước Tết, ông vừa cấy dặm xong vãi phân thì cây lụn dần rồi đỏ, phun thuốc nhưng không khỏi. Khi nghe HTX thông báo lúa bị bệnh đạo ôn, mùng 4 Tết, ông Tiến cùng nhiều nông dân tranh thủ ra đồng phun thuốc đặc trị để trừ bệnh.

Để đối phó với tình trạng này, ông Đặng Văn Mạnh, Chi cục Phó Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên khuyến cáo, nông dân khi lúa bị bệnh đạo ôn không nên để ruộng khô nước nhằm tăng sức chống chịu cho cây lúa. Nên dừng việc bón phân hoặc phun phân bón lá (đặc biệt là phân có chứa đạm) và thuốc kích thích sinh trưởng, nông dân nên dùng các thuốc đặc trị để phun trừ.

Theo nhiều nông dân, đầu năm mới, thời tiết nắng ấm, hy vọng lúa sẽ phát triển tốt. Bên cạnh đó, giá nhiên liệu tiếp tục giảm, kéo theo nhiều chi phí giảm theo. Vì vậy, hi vọng năm mới thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh, mùa màng bội thu.
Nhóm PV
Nô nức Lễ hội Lồng Tông - ngày hội xuống đồng
Nô nức Lễ hội Lồng Tông - ngày hội xuống đồng

Đồng bào các dân tộc ở tỉnh Tuyên Quang và du khách đã nô nức đổ về trung tâm huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) tham dự Lễ hội Lồng Tông – ngày hội xuống đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN