Nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) được Chính phủ giao quản lý mặt hàng phân hữu cơ và các phân khác. Bộ Công Thương quản lý mặt hàng phân vô cơ. Theo Bộ NN&PTNT, tổng số phân bón hữu cơ và các loại phân bón khác, được sản xuất và tiêu thụ khoảng 1 triệu tấn/năm trên cả nước, trong đó 600.000 tấn phân bón hữu cơ. Có 150 cơ sở sản xuất, trong đó có 30 cơ sở lớn.
Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, nhiều doanh nghiệp không được cấp phép vẫn tiếp tục sản xuất. Theo Nghị định 202 được sửa đổi năm 2014 về sản xuất kinh doanh phân bón, từ nay tới tháng 2/2016, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón phải đăng ký với các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, Bộ mới nhận được 42 hồ sơ đăng ký sản xuất, nhưng không cấp phép được vì các cơ sở này chưa đủ điều kiện theo Nghị định 202.
Bên cạnh đó, Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt, hiện có 1.200 loại phân bón được các sở công nhận, nhưng Cục Trồng trọt chỉ đưa ra danh sách 260 loại lên website của cục. Vì qua quá trình rà soát, nhiều loại không đủ tiêu chuẩn nên phải loại ra.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, có tới 1.000 cơ sở sản xuất phân bón nhưng tới nay mới chỉ có 80 DN đăng ký sản xuất kinh doanh với Bộ Công Thương. Bộ cũng mới cấp phép cho khoảng 50 DN. Như vậy, số lượng doanh nghiệp còn lại rất lớn, mà thời hạn cấp phép không còn nhiều.
Còn theo ông Nguyễn Văn Cẩn, Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về phòng ngừa đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, mỗi năm cơ quan hải quan bắt được khoảng 4.000 vụ buôn bán phân bón kém chất lượng, hàng giả... nhưng số vụ việc được khởi tố chỉ khoảng 10 vụ. Có những vụ, các lực lượng chức năng làm rất bài bản nhưng vướng các văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo.
Bên cạnh đó, ông Cẩn cho biết, nhiều lãnh đạo DN nêu thực trạng sản phẩm của mình bị làm giả chất lượng, nhãn mác... nhưng lại thiếu sự phối hợp để giải quyết đến cùng vụ việc, vì DN sợ ảnh hưởng đến uy tín, sản phẩm của mình làm giảm doanh thu.
Lập lại trật tự
Theo các chuyên gia trong ngành nông nghiệp, lĩnh vực trồng trọt có các loại cây như: lúa nước, ăn quả, cây công nghiệp, cây ngắn ngày... khoảng 10 chủng loại, mỗi loại cây chỉ cần 4 loại phân chuyên dùng. Như vậy, chỉ cần 40 loại phân bón. Ông Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới cho biết, nếu chúng ta mở rộng cho các DN sản xuất, thì số lượng cũng chỉ nên ch lưu hành khoảng 100 loại, không nên để có hơn 5.000 loại như hiện nay. Hơn nữa, số lượng ít sẽ giúp kiểm soát, kiểm tra dễ dàng hơn rất nhiều.
Để kiểm tra hết 1.000 cơ sở sản xuất phân bón là điều không tưởng với Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT. Ông Ma Quang Trung cho biết, các bộ, ngành Trung ương không thể đi kiểm tra hết các tỉnh. Do vậy, lãnh đạo các địa phương, cơ sở phải thực sự vào cuộc, nắm rõ các văn bản quy phạm pháp luật để loại bỏ những doanh nghiệp không đủ điều kiện sản xuất phân bón. Thời gian tới, Cục sẽ nghiên cứu giảm bớt thủ tục hành chính, rà soát, ban hành các quy định xử phạt rõ ràng hơn. Hai bộ sẽ hợp tác cùng tháo gỡ thủ tục cho các doanh nghiệp đủ điều kiện, để không chồng chéo.
Để ngăn chặn, đẩy lùi hàng giả, hàng nhái trong lĩnh vực phân bón, ông Nguyễn Văn Cẩn cho rằng, các DN và thành viên Hiệp hội Phân bón cần tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng, cụ thể về thông tin, đối tượng làm giả, đối tượng buôn bán, kinh doanh sản xuất phân bón kém chất lượng thông qua đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389.
Để chấn chỉnh thị trường phân bón, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, Bộ sẽ cùng với Bộ NN&PTNT rà soát lại những điều khoản trong Nghị Định 202 để đẩy nhanh cấp giấy phép, sàng lọc những doanh nghiệp đủ năng lực, có vốn, dây chuyền công nghệ, nguồn nhân lực... đủ điều kiện mới cho tồn tại.
Đồng thời, hai bộ sẽ xây dựng hệ thống quy chuẩn phân bón giả quốc gia, trên cơ sở đó sẽ công bố hợp quy, sàng lọc ra những loại phân bón chất lượng. Về vấn đề, lực lượng quản lý thị trường mỏng, “Cần có sự phối hợp giữa hiệp hội phân bón và các lực lượng chức năng ở địa phương, Trung ương. Bộ Công Thương đang xây dựng lại Nghị định xử phạt để tăng mức xử lý để răn đe. Quy hoạch thông thoáng để các doanh nghiệp phát triển linh hoạt nhưng phải đủ điều kiện thì mới được hoạt động”, ông Vượng cho biết thêm.
Ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, hai bộ cần nhanh chóng phối hợp để quy hoạch lại việc sản xuất kinh doanh phân bón, lập lại trật tự thị trường phân bón Việt Nam lành mạnh và khoa học.