Nông dân gặp khó do nhiều loại cây vụ Đông mất giá

Nông dân tỉnh Bắc Ninh trồng khoảng 6.000 ha cây màu các loại, tập trung chủ yếu là khoai tây, cà rốt, hành, tỏi, bí xanh và rau các loại trong vụ Đông.

Tuy nhiên, đến nay đã đến thời điểm thu hoạch, nhiều loại cây không bán được người dân phải tự tay nhổ bỏ, có loại bán được nhưng giá rẻ thấp hơn giá đầu tư đầu vào khiến nông dân gặp nhiều khó khăn.

Chú thích ảnh
Nông dân xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, lo lắng vì cà rốt mất giá. 

Nông dân lao đao

Mặc dù đã có gần 10 năm trồng cà rốt trên vùng đất bãi ven sông nhưng đây là năm đầu tiên cà rốt đến thời điểm thu hoạch giá rớt xuống đáy khiến bao công sức của gia đình anh xem như bị phí hoài. Xót xa vừa nhổ, thu dọn nốt những luống cà rốt còn lại của gia đình, anh Hạp Tiến Viên chia sẻ:

Năm nay gia đình anh trồng trên 7.000 m2 cà rốt, do ảnh hưởng của bão Yagi hồi tháng 9/2024 nên toàn bộ diện tích trồng bị muộn hơn khoảng 1 tháng so với khung thời vụ. Nếu như mọi năm, mỗi sào cà rốt cho năng suất hơn 2 tấn, bán với giá từ 9 - 12 triệu, có năm giá giảm cũng được chừng 8 triệu/sào (360 m2) người nông dân vẫn có thu nhập.

Tuy nhiên, năm nay, cà rốt mặc dù mẫu mã đẹp, năng suất cao nhưng cũng chỉ bán được từ 3-5 triệu/sào. Trong khi vốn bỏ ra để đầu tư cho mỗi sào cà rốt bao gồm tiền máy móc, nhân công, phân bón, tiền thuê đất… khoảng 3 - 4,5 triệu nên nhiều người nông dân mất công, mất sức, thậm chí mỗi sào bán sẽ bị hụt 1-2 triệu so với giá đầu tư.

Với gia đình anh, do có có thương lái mua quen từ những năm trước đến thu mua trước Tết nên anh bán được phần lớn cà rốt, đến nay, còn hơn hơn 5.000 m2 mà giá cà rốt lại xuống thấp trong khi không có người mua khiến gia đình anh gặp nhiều khó khăn.

Bà Vũ Thị Dương, xã Trung Kênh chia sẻ: Từ nhiều năm nay, gia đình bà thường xuyên canh tác hơn 3,5ha đất ven sông. Thu nhập từ nông nghiệp giúp gia đình bà làm có của ăn, của để, nuôi con ăn học. Những năm trước được giá, thương lái thường tìm đến tận nơi thu mua. Năm nay, những hộ nào có thoả thuận, đặt cọc rồi thương lái mới đến thu mua, còn những hộ gia đình khác phải tự tìm đầu ra. Có những gia đình không tìm được đầu ra còn cày xới bỏ đi hàng mẫu ruộng.

Không chỉ cà rốt, hiện nay, nhiều cây vụ Đông khác như su hào, bắp cải, hành, các loại rau cũng trong tình cảnh tương tự. Anh Nguyễn Văn Cường, xã Vạn Ninh, huyện Gia Bình chia sẻ: Vụ Đông năm 2025, gia đình anh trồng 5ha cà rốt và 3ha su hào, bắp cải. Đến nay, cà rốt gia đình đã bán rẻ với giá 3 triệu đồng/sào, 500 đồng/củ su hào và 1.000 đồng/kg bắp cải. So với chi phí đầu vào gia đình anh bỏ ra còn thấp hơn rất nhiều.

Chú thích ảnh
Người dân xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, ngậm ngùi bán cà rốt giá thấp để lấy mặt bằng trồng vụ tiếp. 

“Nếu như những năm trước đến vụ thu hoạch cả cánh đồng lúc nào cũng rộn ràng tiếp nói cười, thương lái, người dân thu hoạch tấp nập. Đến nay, giá nông sản thấp, nhiều gia đình cũng không muốn ra đồng chăm cây, thậm chí đợi thêm 1 thời gian nữa sẽ nhổ bỏ để chuẩn bị đất cho kịp khung thời vụ trồng cây mùa hè”, anh Cường nói.

Cấp thiết xây dựng mối liên kết bền vững

Bà Phạm Thị Khuy, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Đức, huyện Gia Bình chia sẻ: Nằm dọc sông Đuống và sông Thái Bình, tận dụng dải đất dọc sườn sông với lớp phù sa màu mỡ, người dân xã Cao Đức vốn nhạy bén, tảo tần trồng các cây ngắn ngày như dưa hấu, dưa lê, cà rốt, tỏi… Với vụ Đông năm nay, nông dân trong xã trồng hơn 300 ha rau màu, trong đó có 260 ha cà rốt với 115 ha sớm và 145 ha cà rốt trung muộn. Hiện nay, toàn bộ diện tích sớm đã được thu hoạch xong, diện tích muộn còn khoảng 90 ha và đang gặp khó trong khâu tiêu thụ, có nhà phải tận tay nhổ bỏ để bắt tay vào trồng dưa cho kịp vụ Hè.

Chia sẻ về vấn đề đầu ra cho nông dân địa phương, bà Phạm Thị Khuy cho biết: Cùng với định hướng phát triển giống cây ngắn ngày tại vùng đất bãi ven sông, thời gian qua, địa phương đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm và hỗ trợ nông dân huyện, Phòng Nông nghiệp huyện Gia Bình tập huấn, hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác và hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều hộ canh tác theo lối truyền thống tự tìm đầu ra từ những thương lái truyền thống nên câu chuyện “được mùa mất giá” và “nay trồng mai chặt” là khó tránh khỏi. Với thực trạng nhiều diện tích cà rốt, mùi, su hào có nguy cơ bị phá bỏ, địa phương cũng báo cáo các cơ quan chức năng và đang tích cực tìm đầu ra.

Ông Dương Đình Toản, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Lương Tài chia sẻ: Vụ Đông 2024, toàn huyện gieo trồng hơn 1.200 ha cây trồng các loại, chủ lực là cây cà rốt, hành, tỏi, bí xanh, bí đỏ. Ngay từ đầu vụ, huyện chỉ đạo phòng chuyên môn tập trung tuyên truyền chính sách hỗ trợ; khuyến cáo, hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, quản lý dịch hại tổng hợp theo yêu cầu kỹ thuật với từng loại cây trồng, giúp bảo đảm năng suất, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Mặc dù đã đến thời điểm thu hoạch nhưng do giá thấp và nhu cầu thị trường không cao nên đến thời điểm này, toàn huyện thu hoạch được phần lớn các cây rau màu khác, còn cà rốt mới chỉ thu hoạch được 361/700 ha. Tình trạng nông sản mất giá như hiện nay là do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan như lệch khung thời vụ, nông dân sản xuất ồn ạt và do sức tiêu thụ của thị trường thấp, không ổn định… Đặc biệt với cây cà rốt, diện tích cà rốt không chỉ được mở rộng ở các xã trên địa bàn huyện mà còn ở các địa phương khác ngoài tỉnh dẫn đến nguồn cung lớn trong khi nhu cầu tiêu thụ không tăng.

Vụ Đông năm 2024, tỉnh Bắc Ninh trồng khoảng 6.000 ha cây màu các loại, tập trung chủ yếu là khoai tây 2.000 ha, cà rốt gần 1.500 ha, ngô, hành tỏi, bí xanh và rau các loại. Với chủ trương phát triển vụ Đông theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị, ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cụ thể về diện tích cho từng địa phương; chú trọng mở rộng diện tích cây trồng có giá trị kinh tế cao. Các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong sản xuất vụ Đông; tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất.

Chú thích ảnh
Người dân Bắc Ninh ngậm ngùi bán cà rốt giá thấp để lấy mặt bằng trồng vụ tiếp. 

Tuy nhiên, hiện nay, sản xuất nông nghiệp trong tỉnh vẫn đối mặt với nhiều thách thức như: Giá nông sản phụ thuộc vào thị trường, chi phí sản xuất tăng cao, sự cạnh tranh của nông sản nhập khẩu... rất cần xây dựng mối liên kết bền vững trong sản xuất nông nghiệp; có cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp của các cấp chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước, sự chung tay của doanh nghiệp và sự tìm hiểu, nắm bắt thông tin chặt chẽ của mỗi người nông dân…giúp người dân có thể yên tâm làm giàu, phát triển kinh tế trên chính quê hương.

Tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết về hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Gia Bình, Lương Tài đến năm 2030. Theo đó, Bắc Ninh sẽ hình thành vùng sản xuất cà rốt với quy mô 300 ha tại huyện Gia Bình, Lương Tài gắn với sơ chế, tạo ra giá trị sản phẩm hàng hóa cao; phát huy vùng trồng tỏi An Thịnh (Lương Tài) đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, tiến tới hình thành vùng tỏi Cao Đức (Gia Bình) được công nhận chỉ dẫn địa lý; quy hoạch và xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao và thu hút các dự án đầu tư trong sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản, phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái... Nghị quyết được kỳ vọng sẽ định hướng, giúp nông dân giải bài toán tiêu thụ nông sản thời gian tới.

Bài và ảnh: Thanh Thương (TTXVN)
Nông dân khẩn trương xuống đồng gieo cấy sau Tết
Nông dân khẩn trương xuống đồng gieo cấy sau Tết

Để bám đúng khung thời vụ, ngay những ngày đầu năm mới, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã khẩn trương xuống đồng làm đất, gieo cấy vụ chiêm Xuân để đảm bảo hoàn thành việc gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN