Rau màu vụ Đông Xuân được giá, nông dân có nguồn thu khá

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, trong vụ Đông Xuân 2024 – 2025, tính đến đầu tháng 2/2025, người dân đã thu hoạch được khoảng 8.700 ha rau màu vụ Đông Xuân với sản lượng trên 195.000 tấn rau màu các loại phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Nhiều loại rau màu chủ lực có giá nên người dân phấn khởi nhờ có nguồn thu nhập khá.

Chú thích ảnh
Thu hoạch rau màu tại xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây. Ảnh minh họa

Vụ Đông Xuân 2024 - 2025, người dân địa phương trồng trên 16.000 ha rau màu các loại cung ứng cho thị trường trong ngoài tỉnh. Trong số đó, gần 10.000 ha rau màu các loại phục vụ nhu cầu thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Đặc biệt, có trên 1.400 ha màu luân canh trên chân ruộng tại những địa bàn canh tác khó khăn được khuyến khích chuyển đổi sang trồng màu thích ứng biến đồi khí hậu, chù yếu là dưa hấu.

Nhiều loại rau màu chủ lực của địa phương trên thị trường có giá. Nổi bật có đậu cove, gừng, bông cải, húng quế, đậu bắp, hành lá…được trồng nhiều ở Tiền Giang đều có giá cao hơn từ 2.000 - 6.000 đồng/kg tủy loại so với cùng kỳ năm trước. Tăng cao nhất là cà chua, cao hơn đến 11.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Nhờ vậy, mỗi ha rau màu thu hoạch dịp Tết vừa qua, người dân thu hàng trăm triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa năng suất cao.

Theo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, trong thời gian qua, thực hiện mục tiêu chuyển đổi sản xuất, thích ứng biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai, địa phương hướng người dân những địa bàn khó khăn, khu vực xa nguồn nước bơm tát, vùng ven biển Gò Công, vùng Đồng Tháp Mười… thường xuyên ảnh hưởng hạn mặn, thiên tai, thiếu nước tưới vào mùa khô hạn chuyển đổi sang trồng rau màu, tạo cơ cấu cây trồng phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập vượt trội so với trồng lúa bấp bênh trước đây, ổn định cuộc sống người dân.

Mặt khác, để giúp người dân sản xuất vụ sản xuất rau màu Đông Xuân 2024 - 2025 thắng lợi, địa phương khuyến khích người dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật thâm canh, mang lại hiệu quả cao, năng suất và chất lượng vượt trội. Qua đó, nhiều giải pháp đang được người dân áp dụng rộng rãi như: sử dụng các giống rau màu F1 cho năng suất và sản lượng cao; đầu tư nhà màng, nhà lưới giúp chủ động thời vụ sản xuất, phòng trừ sâu bệnh gây hại; dùng phân và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ trong quá trình canh tác... Nhờ vậy, chất lượng nông sản hàng hóa tốt đáp ứng nhu cầu thị trường vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, môi sinh, môi trường… người tiêu dùng ưa chuộng và tin cậy.

Nhiều mô hình chuyển giao kỹ thuật canh tác rau màu áp dụng thành công tại các vùng chuyên canh rau màu trên chân ruộng tại các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây… đang được nhân rộng trong sản xuất vụ rau màu đông xuân 2024 - 2025 như: Mô hình “ứng dụng phân bón thông minh trong canh tác bắp; mô hình “ứng dụng thiết bị thông minh trong canh tác rau tại vùng chuyên canh rau huyện Gò Công Tây,… không chỉ giúp giảm 20-30% chi phí đầu vào tăng thêm khoảng 20% lợi nhuận mà còn nâng cao trình độ canh tác cho người dân tại các vùng chuyên canh rau.

Ngoải ra, Tiền Giang cỏn có mạng lưới gần 60 hợp tác xã nông nghiệp đang thực hiện liên kết với các doanh nghiệp giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa chủ lực địa phương; trong đó, có hàng chục hợp tác xã chuyên canh rau màu thu hút hàng ngàn thành viên các vùng chuyên canh rau trong tỉnh.

Phó chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Tiền Giang Lê Minh Khánh phấn khởi cho biết, thông qua liên kết, các hợp tác xã chuyên canh rau màu tại các huyện, thành vùng ngọt hóa Gò Công như: Thành phố Gò Công, Gò Công Đông, Gò Công Tây đã tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp cho người dân, nhân rộng mô hình trồng rau màu theo tiêu chí VietGAP hoặc trồng rau an toàn nhằm bảo vệ sức khỏe và môi trường cũng như tăng sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường.

Điển hình về liên kết sản xuất - tiêu thụ rau màu có Hợp tác xã rau an toàn Thạnh Hưng (Gò Công Tây), Hợp tác xã nông nghiệp thương mại dịch vụ Phú Quới (Gò Công Tây), Hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp Hòa Thạnh (Gò Công Tây), Hợp tác xã rau an toàn Bình Nghị (Gò Công Đông), Hợp tác xã rau an toàn Tân Đông (Gò Công Đông)…

Trung bình, mỗi hợp tác xã cung cấp cho các đầu mối liên kết như: Metro, Mega Market, Bách hóa Xanh…tiêu thụ từ 5 đến 7 tấn rau/ngày. Nhờ vậy, người dân an tâm chuyển đổi sản xuất, mở rộng diện tích rau màu trên những địa bàn canh tác khó khăn theo hướng thích ứng biến đồi khí hậu vừa tạo nguồn nông sản hàng hóa chất lượng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong ngoài tỉnh, nhất là rau màu sạch, an toàn, đảm bảo sức khỏe.

Bài, ảnh: Minh Trí (TTXVN)
Xuất khẩu rau quả giảm 5,2% so với cùng kỳ
Xuất khẩu rau quả giảm 5,2% so với cùng kỳ

Thông tin từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong tháng 1/2025, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 416 triệu USD, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN