Nông dân “điêu đứng” vì nuôi bò sữa tự phát

Từ những tháng cuối năm 2014 đến nay, người chăn nuôi bò sữa ở các xã Tu Tra, Đạ Ròn (huyện Đơn Dương) – vùng nuôi bò sữa tập trung lớn nhất của tỉnh Lâm Đồng - đang thấp thỏm lo lắng với đầu ra cho sản phẩm sữa.


Trong khi sản lượng sữa tươi của vùng và cả tỉnh ngày càng nhiều, thì các doanh nghiệp thu mua sữa lại không có nhu cầu ký thêm hợp đồng, khiến sản lượng sữa dôi dư, dẫn đến tình trạng nhiều nơi phải bán đổ bán tháo, hoặc đem đổ bỏ.


Ảnh minh họa.


Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, tổng đàn bò sữa toàn tỉnh hiện nay là 13.600 con, bằng 148% so với kế hoạch, tăng 78% so với năm 2013. Trong đó, đàn bò vắt sữa chiếm khoảng 50% tổng đàn, cho sản lượng sữa tươi khoảng 100 tấn/ngày, tổng sản lượng năm 2014 ước đạt khoảng 35.000 tấn. Riêng huyện Đơn Dương có hơn 8.600 con.


Chỉ tính riêng tại xã Đạ Ròn, quy hoạch chăn nuôi bò sữa của xã đến năm 2015 là 1.500 con, năm 2020 con số được ấn định là 2.000 con. Tuy nhiên, hiện đàn bò sữa của xã đã vượt trên 2.430 con và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng do bò giống sinh sản. Nguyên nhân dẫn đến đàn bò sữa tăng nhanh một cách đột biến này là do sự chủ quan của người chăn nuôi. Mặc dù vốn đầu tư lớn, chi phí để nuôi một con bò sữa hiện nay lên tới gần 5 triệu đồng mỗi tháng, nhưng lợi nhuận đem lại từ nghề nuôi bò sữa lại rất cao, do vậy hàng trăm hộ chăn nuôi đã đầu tư vốn, vay ngân hàng để phát triền đàn bò sữa.


Ông Lê Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng thừa nhận việc phát triển đàn bò sữa của tỉnh đã vượt quy hoạch. Điều này đã dẫn đến nguồn cung cấp sữa tươi vượt quá nhu cầu thu mua của các doanh nghiệp. Toàn tỉnh có 3 doanh nghiệp đang thu mua sữa thô cho người chăn nuôi gồm Vinamilk, Cô gái Hà Lan và Dalatmilk. Tuy nhiên, đến nay cả 3 công ty đều không có nhu cầu ký thêm hợp đồng thu mua sữa mới mà đang siết chặt quản lý chất lượng sữa. Riêng Công ty Vinamilk thu mua tới 70% lượng sữa toàn tỉnh.


“Không có hợp đồng nên rất khó tiêu thụ bởi các công ty sữa đều chỉ cam kết thu mua theo đúng hợp đồng với các hộ đã ký kết, chưa thu mua đối với các hộ nuôi mới. Hiện toàn tỉnh có 208 hộ mới chăn nuôi bò sữa chưa ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp, với tổng số bò sữa 901 con, sản lượng 5 tấn/ngày. Các hộ này phải gửi bán thông qua các hộ đã ký hợp đồng từ trước hoặc phải chuyển đi xa để bán sữa tươi ở các huyện khác”, ông Lê Văn Minh cho biết.


Theo ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Ròn, từ khi Công ty sữa Vinamilk ra thông báo có nội dung: Nhà máy sẽ không thu mua lượng sữa vượt quá so với sản lượng sữa tối đa được quy định tại hợp đồng hoặc sản lượng sữa tối đa khác đã được Vinamilk chấp thuận lần gần nhất bằng văn bản, hàng chục hộ chăn nuôi bò sữa mới phát sinh sau, chưa ký được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm sữa với bất kỳ doanh nghiệp nào, đang lâm vào tình trạng “đứng ngồi không yên” khi không thể tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm sữa.


Nằm trong tình cảnh mà nhiều người nuôi bò sữa đang gặp phải, chị Bùi Thị Hiệp, nông dân nuôi bò sữa ở Cầu Sắt, xã Tu Tra, cho biết gần 3 tháng trở lại đây, khi các công ty siết chặt việc mua sữa, không mua sữa thừa, khiến nhiều nông dân phải chạy ngược xuôi bán đổ bán tháo với giá rẻ. Hiện gia đình chị Hiệp đang rất lo lắng bởi không thể ký được hợp đồng tiêu thụ sữa cho các doanh nghiệp. Mỗi ngày bốn con bò sữa của gia đình chị Hiệp cho hơn 90 lít sữa, để tiêu thụ được sản phẩm, hàng ngày chị Hiệp phải đem sữa thô đi bán dạo cho các cơ sở làm sữa chua trên địa bàn các huyện Đơn Dương, Đức Trọng nhưng vẫn không hết.


Giá sữa trung bình hiện nay dao động từ 13-14 ngàn đồng/lít, nhưng những người chăn nuôi tự phát mang ra chợ bán dạo chỉ với giá khoảng 5.000đồng/lít, mà vẫn rất khó bán và cũng ít người mua. Vì sữa tươi là mặt hàng cần phải bảo quản trong điều kiện tốt, nếu để quá thời gian quy định sữa sẽ bị lên men dẫn đến bị hư hỏng nên nhiều hộ chăn nuôi bán dạo không hết thì đành phải giao lại cho các cơ sở chế biến sữa chua hoặc các thương lái với giá rẻ mạt.


Hậu quả của việc chăn nuôi tự phát, ồ ạt nuôi bò sữa theo phong trào của nhiều người dân vùng Đơn Dương và ở một số huyện, thành phố khác của tỉnh Lâm Đồng đã rõ. Dù vậy, để tăng đàn đột biến cũng có trách nhiệm của ngành nông nghiệp và điều này đã được lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng chỉ ra với yêu cầu ngành nông nghiệp cần xem lại chương trình phát triển bò sữa, phối hợp với các địa phương rà soát, kiểm tra việc phát triển đàn, đồng thời phối hợp với các ngành chức năng, các doanh nghiệp để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nông dân.


Bà Lê Thị Bé, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đơn Dương cho biết: Trước thực trạng đáng báo động của ngành chăn nuôi bò sữa tại địa phương, Phòng nông nghiệp huyện đã làm việc với các công ty thu mua sữa đóng trên địa bàn để tìm cách tháo gỡ. Cụ thể, đề nghị phía các công ty thu mua sữa tiến hành nâng cấp bồn chứa sữa, tăng công suất thu mua. Đồng thời, cũng đề nghị phía các công ty tìm cách tiến hành rà soát lại tất cả các hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn để ký hợp đồng thu mua sữa cho bà con.


Đặng Tuấn

Triển khai chương trình cho vay chăn nuôi bò sữa
Triển khai chương trình cho vay chăn nuôi bò sữa

Ngày 9/10/2014 tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, Ngân hàng MHB và UBND huyện Đức Hòa đã ký kết thỏa thuận hợp tác về việc triển khai chương trình cho vay ưu đãi để chăn nuôi bò sữa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN