CÁNH ĐỒNG LỚN - GIẢI PHÁP TĂNG THU NHẬP
Hiện nay bất cập trong sản xuất nông nghiệp là diện tích nhỏ lẻ, lại phân ra nhiều ô thửa, có mảnh chỉ vài chục mét vuông, khiến sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả. Các địa phương đã tích cực triển khai xây dựng cánh đồng lớn, để nâng cao năng suất, cải thiện thu nhập cho người nông dân.Tính cực dồn điền, đổi thửaTrước đây, bốc thăm chia ruộng đất, có hộ chỉ nhận được mấy sào ruộng nhưng vị trí cách xa nhau, nên sản xuất manh mún. Năm 2010, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được ban hành và nhận được sự hưởng ứng, vào cuộc của các cấp chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân. Tiêu chí đầu tiên trong chương trình này là quy hoạch và thực hiện quy hoạch, theo đó chính quyền sẽ tiến hành dồn điền, đổi thửa. Các hộ được sở hữu mảnh ruộng lớn ở cùng một vị trí, thuận lợi hơn trong tổ chức trồng và chăm sóc, đặc biệt là áp dụng khoa học vào sản xuất.
Xây dựng cánh đồng mẫu lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật sẽ giảm chi phí và tăng thu nhập. |
Ông Nguyễn Thế Hưng, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình, huyện Kiến Xương (Thái Bình) cho biết: “Xã chúng tôi có nhiều người dân trả ruộng, do làm ăn manh mún, hiệu quả năng suất thấp, lời không được là bao. Ba năm vừa qua, xã tiến hành dồn điền đổi thửa và xây dựng được mô hình cánh đồng mẫu lớn, diện tích hơn 70 ha, hiệu quả kinh tế rõ rệt. Hiện nay, xã có 20% ruộng chính chủ không cấy thì chính quyền xã sẽ thu về, cộng với 10% số ruộng có đơn trả để giao cho các cá nhân hay doanh nghiệp xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Tôi tin là làm ăn theo hướng hàng hóa thì người nông dân sẽ thành công”.
Giữa trưa nắng chang chang, vợ chồng anh Vũ Văn Vinh ở xã Đông Quang, huyện Đông Hưng (Thái Bình) đang khuân các bao thóc lên xe chở về nhà. Nghỉ tay, anh Vinh cho biết: “Nhà tôi nhận 5 mẫu (50 sào) của các hộ khác không cấy, một năm 2 vụ, mỗi sào trung bình lời 500 nghìn đồng, cho thu nhập 50 triệu đồng. Bây giờ làm ruộng khỏe lắm, tất cả đều thuê làm, số ruộng này chỉ cần mình tôi đảm nhiệm cũng được”.
Hiện toàn tỉnh Thái Bình đã triển khai được 84 cánh đồng lớn, tổng diện tích là 4.752 ha, trong đó diện tích lúa 4.190 ha, diện tích rau màu là 612 ha. Theo cách tính của Sở NN & PTNT Thái Bình, dù làm ruộng thu nhập thấp, nhưng một hộ nhận cấy hàng chục sào thì tổng thu nhập sẽ cao hơn nhiều. Hiện nay, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, từ cấy cho đến gặt đều thuê máy làm, người nông dân có thể bán lúa ngay tại ruộng là có tiền. Ông Phạm Văn Dụng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ khẳng định: “Chúng tôi đã thực hiện đầy đủ mọi chính sách hỗ trợ người nông dân. Nếu xây dựng cánh đồng lớn thì tỉnh sẽ đầu tư và hỗ trợ nhiều hơn, nhằm khuyến khích người nông dân gắn bó hăng say với ruộng”.
Gắn kết “4 nhà”Xây dựng cánh đồng mẫu lớn được xác định là giải pháp tối ưu, quan trọng để đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, giữa Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông và nhà khoa học vẫn chưa thực sự gắn kết. Doanh nghiệp kinh doanh thì muốn có lãi, nông dân lại muốn được giá cao, nhà khoa học chưa thực sự gần gũi người nông dân để hỗ trợ áp dụng khoa học vào sản xuất. Nhà nước chưa tạo cơ hội thông thoáng, điều kiện hỗ trợ để doanh nghiệp yên tâm đầu tư trong ngành nông nghiệp.
Ông Nguyễn Thế Hưng cho biết, lúc đầu xã xây dựng cánh đồng mẫu lớn, có ký hợp đồng với đơn vị bao tiêu thóc cho nông dân, nhưng khi thu hoạch bị ép giá, bán thì rẻ, để thì không ai mua vì giống lúa trồng do doanh nghiệp cấp. Hiện xã Quang Bình, huyện Kiến Xương (Thái Bình) để người dân làm tự do.
Các doanh nghiệp thì cho rằng, người nông dân với cách làm ăn manh mún và tự cung tự cấp, không quen với mô hình sản xuất hàng hóa. Mùa thu hoạch, lúa tốt thì đem bán cho người khác để lấy giá cao hơn, lúa xấu thì bán cho doanh nghiệp. Chính quyền cần tuyên truyền, hướng dẫn người nông dân quen với cách làm ăn hàng hóa và gắn kết với doanh nghiệp.
Theo Sở NN & PTNT Thái Bình, thời gian tới Nhà nước và địa phương cần hỗ trợ các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo mô hình cánh đồng mẫu lớn; tạo cơ chế khuyến khích cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, đầu tư kinh phí hỗ trợ cho việc tích tụ ruộng đất và ứng dụng công nghệ cao; đồng thời hỗ trợ chương trình áp dụng cơ giới hóa để giảm chi phí giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: Tái cơ cấu ngành lúa gạo
Chúng ta phát triển sản xuất lúa gạo vừa đảm bảo an ninh lương thực nhưng cũng để tạo điều kiện cho nông dân tăng thu nhập. Các nhà nghiên cứu có nói rằng để cho một hộ trồng lúa sống được bằng thu nhập từ lúa thì phải có diện tích ít nhất là 2 ha. Ở Việt Nam có 4,1 triệu ha ruộng nhưng có tới có 9,3 triệu hộ nông dân trồng lúa, như vậy mỗi hộ nông dân trồng lúa chưa đến nửa ha. Với cánh làm ăn manh mún, ruộng nhỏ lẻ thì nói người nông dân làm giàu rất khó. Chúng ta cần gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và thị trường, doanh nghiệp và người dân, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh nông sản, phát triển các hình thức liên kết trong sản xuất; xây dựng cánh đồng mẫu lớn, ứng dụng tiến bộ KHKT, nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nhà nước đã có rất nhiều chính sách để hỗ trợ cho nông dân. Tôi thấy rằng, cũng còn nhiều dư địa và chúng tôi đang xây dựng một chương trình tái cơ cấu ngành lúa gạo, tiếp tục làm đồng bộ hơn, căn cơ hơn để có hiệu quả cao hơn.
Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên: Liên kết theo mô hình tập thể
Theo tôi người nông dân phải là chủ thể trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Nếu người nông dân không tự liên kết được theo mô hình tập thể thì những vấn đề giá sản phẩm, trồng cây gì, nuôi con gì; mía, hồ tiêu trồng rồi chặt, ruộng bỏ hoang vẫn xảy ra. Người nông dân phải bỏ tư tưởng tiểu nông, tiếp cận với sản xuất hàng hóa thì mới thành công. Để người dân làm giàu được từ đất, chúng ta có phương án dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn để áp dụng khoa học vào sản xuất. Người nông dân bỏ ruộng thì thu lại ruộng để phân cho người khác có kinh nghiệm và dám gắn bó, đầu tư sản xuất lâu dài. Không thể phân ruộng cho anh, anh lại bỏ đi làm nghề khác, không làm ruộng, như vậy là phi lý. |