Mô hình mô hình vườn - ao - chuồng của anh Lê Văn Liêm, thôn Tân Mỹ, xã Vĩnh Giang mỗi năm mang lại trên 300 triệu đồng lợi nhuận. |
Suốt 20 năm liền, hai miền Nam - Bắc bị chia cắt bởi một dòng sông. Dưới sự tàn phá khủng khiếp của bom đạn mà Mỹ - Ngụy đã thả xuống nơi đây, sau chiến tranh dọc đôi bờ sông Bến Hải chỉ còn lại “vành đai trắng” với chi chít những hố bom, không còn cây cối, xóm làng hay sự sống nào tồn tại.
Thế nhưng, 42 năm đã qua đi, vượt qua những khó khăn, thử thách với quyết tâm đồng sức đồng lòng của quân và dân huyện Vĩnh Linh, dọc đôi bờ sông Bến Hải đã và đang phát triển không ngừng với những mô hình kinh tế hiệu quả của những triệu phú nông dân mang lại sự thay đổi cho vùng quê này…
Dọc hai bờ sông Bến Hải hiện nay, các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Giang, Vĩnh Thành… của huyện Vĩnh Linh trù phú một màu xanh tốt tươi bởi những vườn tiêu, cao su xanh mướt. Kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng của các thế hệ đi trước, người dân nơi đây đã và đang nỗ lực không ngừng góp sức phát triển kinh tế, xây dựng quê hương.
Anh Lê Văn Liêm, thôn Tân Mỹ, xã Vĩnh Giang, là một trong những hộ nông dân trẻ đi đầu trong phát triển kinh tế của xã. Khác với suy nghĩ của nhiều thanh niên, rời quê hương đi làm ăn xa, anh quyết tâm ở lại xây dựng mô hình vườn - ao - chuồng.
Hiện nay, trang trại tổng hợp của anh có trên 200 con lợn, hơn 100 con vịt, gà, 4 sào tiêu, 2 hồ cá, gần 1ha lúa… Trung bình mỗi năm trang trại của anh mang lại lợi nhuận hơn 300 triệu đồng, không chỉ giúp anh cải thiện cuộc sống, làm giàu trên quê hương, mà còn góp phần tạo công ăn việc làm cho những người dân khác trong xã.
Tâm sự với chúng tôi, anh Liêm cho biết: "Được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, tôi bắt tay xây dựng mô hình trang trại tổng hợp, nuôi lợn, ngan, gà, vịt, cá. Tôi nghĩ rằng, đã có quyết tâm làm ăn thì không cần đi đâu xa mà ngay ở quê hương mình cũng đạt hiệu quả kinh tế cao. Nhờ mô hình này, gia đình tôi đã có của ăn, của để, cũng như tham gia đóng góp các hoạt động xã hội để xây dựng quê hương…".
Mô hình mô hình nuôi trồng thủy hải sản của ông Nguyễn Ngọc Phượng, thôn Tân Mỹ, xã Vĩnh Giang mỗi năm mang lại gần 200 triệu đồng lợi nhuận. |
Cùng chung một ý chí, bám trụ quê hương làm giàu, ông Nguyễn Ngọc Phượng vốn là một cựu chiến binh, sau khi xuất ngũ về quê được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương ông mạnh dạn đấu thầu và nuôi trồng thủy hải sản ngay sát dòng sông Bến Hải.
Với 1ha diện tích mặt nước, ông nuôi các loại cá, tôm, cua. Bên cạnh đó, ông triển khai trồng tiêu và hơn một mẫu lúa. Từ mô hình của mình, mỗi năm gia đình ông thu nhập gần 200 triệu đồng.
Ông Phượng kể: "Tôi là một cựu chiến binh trở về quê hương, được chính quyền địa phương tạo điều kiện, tôi tiến hành nuôi trồng thủy, hải sản. Mặc dù có những khó khăn do dịch bệnh hay nguồn giống, nhưng mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Nhờ đó, kinh tế gia đình tôi phát triển, con cái ăn học đến nơi đến chốn..."
Đây chỉ là 2 trong nhiều mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình đạt hiệu quả cao của xã Vĩnh Giang nói riêng và của huyện Vĩnh Linh nói chung. Với tư duy dám nghĩ, dám làm, người dân nơi đây đã và đang thay đổi suy nghĩ về phương pháp làm giàu.
Với thế mạnh đặc trưng, những vườn tiêu, cao su, hay mô hình vườn -ao - chuồng tổng hợp đã và đang tạo ra những tỷ phú chân đất, góp phần thay đổi diện mạo quê hương, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Bà Phan Thị Liên, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, cho biết: Để phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo, xã đã chủ động xây dựng các phương án phát triển sản xuất, tập trung xây dựng các mô hình tổng hợp gắn liền với thế mạnh và điều kiện tự nhiên của xã như: Cá - lúa, nuôi trồng thủy hải sản, trồng tiêu ở vùng đất đỏ bazan…
Từ các mô hình này đã góp phần nâng cao thu nhập của người dân trong xã, nếu như năm 2010 thu nhập 15 triệu đồng/người/năm thì năm 2016 vừa qua đã tăng lên 28-30 triệu đồng/người/năm.
Mô hình trồng tiêu tại xã Vĩnh Giang. |
Là địa phương đi đầu trong toàn tỉnh về việc thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, huyện Vĩnh Linh hiện có 12/19 xã đạt chuẩn. Riêng năm 2016, tổng giá trị sản xuất của huyện đạt 7.653 tỷ đồng, tổng thu ngân sách cả năm thực hiện 405 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt mức 36 triệu đồng/người/năm.
Toàn huyện hiện có khoảng 1.300 ha tiêu, gần 7.000 ha cao su là những loại cây chủ lực của địa phương. Bên cạnh đó, sản lượng nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản cả năm đạt 3.805 tấn. Với sự nỗ lực và cố gắng không ngừng của chính quyền, nhân dân nơi đây, Vĩnh Linh ngày càng phát triển đi lên.
Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Linh cho biết: Vĩnh Linh là mảnh đất chịu nhiều ảnh hưởng của chiến tranh, nhưng sự hồi phục trên mảnh đất này rất lớn, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển kinh tế.
Đã có thời điểm Vĩnh Linh trở thành tâm điểm phát triển cây cao su với 7.000 ha. Đặc biệt, hiện nay cây hồ tiêu cũng như việc nuôi trồng thủy hải sản phát triển rất mạnh.
Huyện sẽ tập trung nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu hàng hóa nông sản sạch của địa phương, đồng thời tăng cường các biện pháp kĩ thuật và các giải pháp hữu cơ để đảm bảo chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế…
Dòng sông Bến Hải lịch sử là nơi chứng kiến nỗi đau chia cắt 2 miền Nam - Bắc trong thời kì chiến tranh. Ngày nay, thay cho những giọt nước mắt là niềm vui, hạnh phúc của người dân nơi đây khi xóm làng đổi thay từng ngày.
Đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương đã và đang nỗ lực không ngừng nghỉ trong phát triển kinh tế để xứng đáng với công ơn của các thế hệ đi trước đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.