Địa đạo Vĩnh Linh: Sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân VN

“Hệ thống làng hầm địa đạo Vĩnh Linh một sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam ” là chủ đề của hội thảo khoa học do Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị tổ chức ngày 27/6.

Đông đảo các nhà khoa học thuộc Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, các nhà quản lý, nghiên cứu về hệ thống làng hầm địa đạo Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị và một số nhân chứng từng tham gia xây dựng, sống và chiến đấu trong những làng hầm địa đạo ở Vĩnh Linh đã tham dự và tham luận tại Hội thảo.

Ảnh:Internet


Hệ thống làng hầm địa đạo Vĩnh Linh được xây dựng từ năm 1966 - 1968, sau khi kẻ thù leo thang đánh phá miền Bắc với sự kiện Vịnh Bắc Bộ năm 1965. Lúc này, Đặc khu Vĩnh Linh trở thành mục tiêu hủy diệt của kẻ thù. Quyết tâm tồn tại để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, Đảng ủy khu vực Vĩnh Linh đã chủ trương công sự hoá toàn khu vực, chuyển mọi hoạt động của con người vào lòng đất.

Trong thời gian từ 1966 - 1968, chỉ bằng các dụng cụ thô sơ, tự tạo, quân và dân Vĩnh Linh đã đào trên 3,75 triệu m3 đất đá xây dựng một hệ thống làng hầm gồm 114 địa đạo với hơn 40 km đường hầm sâu trong lòng đất từ 15 - 20m; xây dựng 2.100 km giao thông hào, 100.000 hầm trú ẩn các loại.... Một số địa đạo tiêu biểu được xây dựng ngay trong năm 1966 như đại đạo Mỹ Duyệt - Thuỷ Tú dài 3.500m; địa đạo Vĩnh Cường - Vĩnh Nam dài 3.200m; địa đạo Thuỷ Trung dài 2.010m, địa đạo Vịnh Mốc dài 1.700m...

Hệ thống làng hầm địa đạo Vĩnh Linh đã trở thành lá chắn thép, che chở, bảo vệ vững chắc, hạn chế đến mức thấp nhất sự tổn thất về người và tài sản, phục vụ tốt cho việc sinh hoạt và chiến đấu. Nhờ có hệ thống này, quân và dân Vĩnh Linh có đủ điều kiện để bám trụ kiên cường đánh trả các cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ - Ngụy, lập lên chiến công vang dội: bắn rơi 239 máy bay, bắn chìm và cháy 69 tàu chiến các loại, đẩy lùi nhiều toán gián điệp, biệt kích....

Hệ thống làng hầm địa đạo Vĩnh Linh còn là nơi cất giấu lương thực, vũ khí giúp Vĩnh Linh làm tốt vai trò hậu phương đối với đảo Cồn Cỏ và tiền tuyến lớn miền Nam. Trong 4 năm từ 1965 - 1968, Vĩnh Linh đã huy động trên 10.000 ngày công, chuyên chở 1.404 chuyến hàng đưa ra đảo Cồn Cỏ hàng ngàn tấn vũ khí, lương thực; chuyển an toàn 1.382 lượt bộ đội, dân quân, dân công cùng hàng chục vạn tấn quân trang, quân dụng vào Nam chiến đấu. Hệ thống làng hầm là nơi sinh hoạt của nhân dân Vĩnh Linh, nơi đây cũng đã đã có 60 em bé được sinh ra.

Với những thành tích đạt được, Vĩnh Linh vinh dự 2 lần được Đảng và Nhà nước tuyên dương Anh hùng; được tặng thưởng 2 Huân chương Độc lập và 8 lần được Bác Hồ gửi thư khen.


Các tham luận tại hội thảo đã khẳng định những giá trị và kinh nghiệm về nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam, nhất là về cách phòng tránh, đối phó trực tiếp với vũ khí hiện đại, giữ được bí mật tuyệt đối, bảo toàn lực lượng, lương thực, vũ khí cho quân và dân khu vực Vĩnh Linh đánh thắng kẻ thù xâm lược.

Theo ông Thái Vĩnh Liệu, Phó Bí thư Thưởng trực Tỉnh uỷ Quảng Trị, Hệ thống làng hầm địa đạo Vĩnh Linh là công trình độc đáo có một không hai trên đất nước Việt Nam. Tuy nhiên, dưới sự tác động của nhiều nguyên nhân, hệ thống làng hầm địa đạo Vĩnh Linh phần lớn đã bị biến mất hoặc xuống cấp. Hiện chỉ có địa đạo Vĩnh Mốc là được bảo tồn gần như nguyên vẹn, đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn của tour du lịch DMZ.

Để phát huy hơn nữa giá trị nhân văn của hệ thống làng hầm địa đạo Vĩnh Linh, cần tiếp tục tăng cường công tác điều tra nghiên cứu về hệ thống làng hầm địa đạo Vĩnh Linh để rút ra các bài học kinh nghiệm về nghệ thuật chiến tranh nhân dân, trên cơ sở đó ứng dụng vào thực tiễn bảo vệ Tổ quốc; xây dựng kế hoạch phục dựng, trùng tu tôn tạo các làng hầm đã bị xuống cấp, trong đó ưu tiên phục dựng các hầm, hào, địa đạo tiêu biểu gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân Vĩnh Linh; tăng cường công tác giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ./.
Dương Vương Lợi
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN