Những lỗ hổng trong quản lý kinh doanh vàng

Trong đợt thanh kiểm tra mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Nam Định đã phát hiện nhiều sai phạm của các cơ sở kinh doanh vàng trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả kiểm ta cũng làm lộ rõ những khiếm khuyết, lỏng lẻo trong công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực này.

 Đụng đâu, sai đấy

Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 425/QĐ-UBND ngày 22/3/2011 về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về kinh doanh vàng, ngoại tệ. Đây là cuộc kiểm tra có quy mô lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực này với sự tham gia của 4 ngành là Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nam Định, Sở Tài Chính, Công an tỉnh và Chi Cục Quản lý thị trường.

Ảnh:Internet

Bước đầu, đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành thanh kiểm tra 43 cơ sở trên địa bàn thành phố Nam Định, các huyện Hải Hậu, Vụ Bản, Mỹ Lộc và phát hiện 24 cơ sở có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh vàng, ngoại tệ. Các lỗi vi phạm phổ biến bao gồm : không đăng ký kinh doanh hoặc kinh doanh sai nội dung đăng ký; không công bố chất lượng sản phẩm; vi phạm về đo lường (cân không được kiểm định hoặc quá hạn kiểm định); nhân viên kỹ thuật thiếu chứng chỉ tay nghề hoặc không đủ yêu cầu về trình độ; vi phạm về niêm yết giá, bán theo giá niêm yết; vi phạm về ghi nhãn hàng hoá...

Trong số 24 cơ sở nói trên, có 22 cơ sở bị xử phạt hành chính với tổng số tiền trên 103 triệu đồng. Các cơ sở vi phạm và bị xử phạt chủ yếu tập trung trên địa bàn thành phố Nam Định. Mỗi cơ sở mắc từ 2 đến 5 lỗi vi phạm và bị xử phạt từ 3 đến trên 13 triệu đồng.

Các cơ sở bị phạt nặng nhất bao gồm Cửa hàng vàng Ngọc Đức (116 đường Trường Chinh, thành phố Nam Định) và Công ty TNHH Phúc Thành (128 đường Trần Hưng Đạo, thành phố Nam Định). Ngoài đợt kiểm tra quy mô lớn của đoàn kiểm tra liên ngành, từ đầu năm đến nay, Chi cục quản lý thị trường cũng phối hợp với Công an tỉnh để tiến hành các cuộc kiểm tra riêng lẻ tại thành phố Nam Định, các huyện Giao Thuỷ, Vụ Bản và Hải Hậu. Qua đó đã phát hiện 10 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh vàng, ngoại tệ với tổng số tiền phạt lên đến 66 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo 1 thành viên đoàn kiểm tra, những lỗi vi phạm đã được phát hiện chắc chắn vẫn chưa phản ánh hết những vấn đề tồn tại của thị trường kinh doanh vàng, ngoại tệ. Nguyên nhân là đoàn kiểm tra liên ngành vẫn chưa có đủ điều kiện về máy móc, thiết bị chuyên dụng để thực hiện kiểm tra về chất lượng vàng. Trên thực tế các cửa hàng vàng hiện nay vẫn thường "tự công bố" chất lượng sản phẩm của mình mà không được bất kỳ cơ quan chức năng nào quản lý, giám định. Trên thị trường, cũng rất khó tìm được một cửa hàng bán vàng với chất lượng dưới "Bốn con chín" (!).

Trong khi đó, còn nhớ cách đây gần 1 năm, 5 mẫu vàng của 5 cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh được Chi cục quản lý thị trường gửi đi xét nghiệm tại Trung tâm nghiên cứu, kiểm định đá quý và vàng (Công ty cổ phần đá quý và vàng Hà Nội) đã cho những kết quả phân tích đáng báo động. Theo đó, hàm lượng vàng của cả 5 mẫu đều thấp hơn tiêu chuẩn công bố của các cửa hàng được lấy mẫu. Cụ thể, hàm lượng vàng cao nhất cũng chỉ đạt 99,67%, các mẫu còn lại chỉ đạt 97-98%.

Buông lỏng quản lý

Ngoài số lượng các cơ sở có hành vi vi phạm, kết quả đợt kiểm tra cũng cho thấy nhiều bất cập, lỏng lẻo và chồng chéo trong công tác quản lý kinh doanh vàng của các cơ quan chức năng. Báo cáo của 2 ngành tham gia đoàn kiểm tra thể hiện sự chưa thống nhất được số liệu. Cụ thể, theo số liệu do Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Nam Định cung cấp (dựa vào số liệu cấp phép kinh doanh của Sở Kế hoạch - Đầu tư), toàn tỉnh hiện có 340 đơn vị hoạt động kinh doanh vàng, trong đó có 56 doanh nghiệp và 284 hộ.

Trong khi đó, Chi cục Quản lý thị trường lại cho biết : Số lượng các tổ chức, cá nhân đang kinh doanh vàng và đại lý đổi ngoại tệ đến ngày 10/5/2011 là 143 tổ chức, cá nhân. Nguyên nhân của sự "vênh nhau" này là phía Sở Kế hoạch - Đầu tư chỉ nắm được số lượng giấy phép kinh doanh cấp ra chứ không biết liệu các cơ sở được cấp phép đang "sống hay chết". Thứ 2 là tâm lý của các cơ sở, doanh nghiệp là muốn đăng ký kinh doanh trong nhiều lĩnh vực càng tốt. Thực tế, nhiều cơ sở đăng ký kinh doanh vàng nhưng lại không có bất kỳ hoạt động nào trong lĩnh vực này.

Đáng lo ngại hơn, theo lời ông Hoàng Thế Kỷ, Trưởng phòng Nghiên cứu tổng hợp và Kiểm soát nội bộ thuộc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Nam Định, công tác quản lý Nhà nước về mặt chất lượng vàng đang "gần như bị thả nổi". Thực tế, hiện chỉ có Sở Kế hoạch - Đầu tư quản lý về mặt đăng ký kinh doanh mà thôi.

Ông Kỷ cũng cho biết thêm: "Ngân hàng Nhà nước tỉnh không thể thực hiện nhiệm vụ quản lý đối với hoạt động mua bán và sản xuất, gia công vàng trang sức mỹ nghệ trên địa bàn theo Quyết định số 1703/2004/QĐ-NHNN ngày 28/12/2004 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 10/2003/TT-NHNN". Cũng theo ông Kỷ, trách nhiệm của Ngân hàng nhà nước tỉnh trong lĩnh vực này hiện chỉ là "quản lý về mặt mã hiệu".

Về phần mình, ông Nguyễn Viết Chiến, Chi cục phó Chi cục quản lý thị trường, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành, cũng cho biết nhiều bất cập hiện nay về mặt quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng. Trước đây, muốn tham gia hoạt động trong lĩnh vực này, các cơ sở phải "ký quỹ" 2 cây vàng còn giờ thì chỉ cần đăng ký kinh doanh là được. Nghị định số 64/2003/NĐ-CP ngày 11/6/2003 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 174/1999/NĐ-CP ngày 9/12/1999 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng lại có những quy định "quá thoáng" trong khi vàng là loại hàng hoá có giá trị lớn, cần các quy định chặt chẽ để giảm rủi ro và thiệt hại cho người tiêu dùng.

Theo Điều 8 của Nghị định này, tổ chức, cá nhân muốn hoạt động mua bán vàng, sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ chỉ cần đăng ký kinh doanh; có cơ sở vật chất, kỹ thuật và trang thiết bị đáp ứng yêu cầu hoạt động mua bán vàng, sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ. Nghị định này không có bất kỳ quy định cụ thể nào về trách nhiệm quản lý, kiểm soát chất lượng vàng. Hoạt động của các cửa hàng vàng hiện cũng rất lộn xộn, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ tại các vùng nông thôn. Thực tế, ngoài buôn bán, trao đổi vàng bạc, các cơ sở kim hoàn còn tham gia kinh doanh "đa ngành" như buôn bán ngoại tệ, cầm đồ, cho vay nặng lãi... rất khó kiểm soát.

Trước thực trạng lộn xộn của thị trường kinh doanh vàng trên địa bàn tỉnh, Chi cục quản lý thị trường đã có công văn kiến nghị Sở Kế hoạch - Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước tỉnh rà soát về cấp phép cũng như tăng cường quản lý chặt chẽ hơn đối với việc quản lý các điều kiện kinh doanh, đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề chế tác vàng bạc…

Cùng chung quan điểm này, ông Hoàng Thế Kỷ cũng cho rằng cơ quan cấp giấy phép đăng ký kinh doanh cần kiểm tra, kiểm soát về hoạt động kinh doanh vàng. Ngoài ra, theo ông, Chính phủ cần nghiên cứu để sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 64/2003/NĐ-CP theo hướng có quy định cụ thể về quản lý chất lượng đối với hoạt động mua bán và sản xuất, gia công vàng trang sức mỹ nghệ./.

Hữu Chiến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN