Thực hiện Nghị quyết 09 về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, Nghị quyết 13 về “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vào năm 2020”, của Ban Chấp hành Trung ương khóa X và khóa XI, ngành Hàng hải Việt Nam đã và đang tiếp tục hoàn thiện thể chế về hàng hải hoàn thiện các quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển, công nghiệp đóng tàu, đội tàu biển và dịch vụ vận tải biển để tạo động lực thúc đẩy các hành lang kinh tế, các khu kinh tế gắn với biển. Tàu chở hàng của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Ảnh: Vinalines. |
Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, kinh tế thương mại hàng hải ngày càng giữ vai trò trọng yếu trong thương mại toàn cầu. Là một quốc gia đang trên đà phát triển theo hướng công nghiệp, thương mại, dịch vụ, Việt Nam tiếp tục đầu tư hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng thiết yếu. Trong đó có hệ thống ngành hàng hải gồm hệ thống các cảng biển, các cơ sở đóng và sửa chữa tàu, đội tàu biển, đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế để đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Với những định hướng mở trong đầu tư hạ tầng ngành hàng hải, Cục Hàng hải Việt Nam sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, hợp tác đầu tư vào lĩnh vực hàng hải. Về phía Cục Hàng hải Việt Nam luôn tạo điều kiện và tiếp tục đẩy mạnh cải cách về các thủ tục hành chính, môi trường đầu tư để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào lĩnh vực hàng hải tại Việt Nam .
Theo đó, từ nay đến năm 2020, ngành Hàng hải sẽ tập trung vào một số dự án trọng tâm như xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện dự án cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong nâng cấp tuyến luồng tàu biển Cái Mép Thị Vải dự án luồng cho tàu trọng tải 10.000DWT (20.000DWT giảm tải) vào sông Hậu. Cùng với đó là tập trung phát triển dịch vụ kinh tế biển đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế biển và phát triển logistics.
Về dự án cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện. Bên cạnh việc đẩy mạnh triển khai đầu tư 2 bến khởi động tiếp nhận tàu 100.000DWT để đưa vào triển khai năm 2016, sẽ tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư phát triển cảng giai đoạn đến năm 2020 theo quy hoạch đã được phê duyệt. Bao gồm 8 bến có công suất thông qua từ 28-34 triệu tấn. Còn dự án luồng cho tàu trọng tải 10.000DWT (20.000DWT giảm tải) vào sông Hậu, là dự án đang được Cục hàng hải Việt Nam triển khai bằng nguồn vốn ngân sách, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và phát triển giao thương hàng hóa cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Nằm ở vị trí có ưu thế về điều kiện tự nhiên với chiều dài đường bờ biển trên 10km, cảng Vân Phong có độ sâu tự nhiên lớn, không bị tốn kém trong đầu tư hạ tầng đê chắn sóng, luồng tàu vào cảng, có thể cho phép tiếp nhận tàu container trọng tải đến 18.000TEU. Nên cảng Vân Phong hội tụ đủ những điều kiện cần thiết để trở thành cảng trung chuyển conteiner quốc tế. Chắc chắn sẽ được các nhà đầu tư, khai thác cảng, các hẵng tàu biển quốc tế quan tâm và tham gia phát triển.
Sau khi ra nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO, đến nay Việt Nam đã ký hiệp định hàng hải thương mại với 21 quốc gia, tạo điều kiện cho ngành Hàng hải Việt Nam tham gia sâu rộng hơn vào thị trường hàng hải khu vực và quốc tế. Hiệp định cũng là cơ sở để Việt Nam và các bên đẩy mạnh hợp tác trên lĩnh vực phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, đóng tàu, vận tải biển, đào tạo cán bộ, thuyền viên và các dịch vụ vận tải đường biển khác.
Hiện Việt Nam gần như mở cửa hoàn toàn lĩnh vực vận tải biển và dịch vụ hàng hải, tạo cơ hội rất lớn cho các đối tác và các nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Các công ty vận tải biển nước ngoài được phép thành lập liên doanh, với vốn góp không quá 51% ngay từ khi Việt Nam ra nhập WTO và được phép thành lập công ty 100% vốn nước ngoài sau 5 năm, kể từ khi ra nhập để thực hiện các dịch vụ hỗ trợ cho vận tải biển của chính công ty đó.
Nhà cung cấp dịch vụ vận tải biển quốc tế được sử dụng 10 loại dịch vụ tại cảng, dựa trên các điều kiện hợp lý và không bị phân biệt đối xử bao gồm hoa tiêu, lai dắt, cung cấp lương thực, thực phẩm, nhiên liệu và nước thu gom nước và nước dằn thải dịch vụ của cảng vụ phao tiêu báo hiệu các dịch vụ trên bờ cần thiết cho hoạt động của tàu như thông tin liên lạc cung cấp điện và nước trang thiết bị sửa chữa khẩn cấp dịch vụ neo đậu, cặp cầu và neo buộc tàu tiếp cận các dịch vụ đại lý hàng hải.
Việt Nam cũng là điểm đến mang lại nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực đóng mới và sửa chữa tàu biển. Mặc dù khủng hoảng kinh tế thế giới trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến ngành đóng tàu, song với lợi thế về bờ biển dài lại nằm gần với tuyến hàng hải quốc tế, Việt Nam vẫn có đủ cơ hội hình thành các cơ sở đóng tàu trọng tải lớn. Đồng thời còn có lợi thế nữa về nguồn nhân lực dồi dào, đội ngũ thuyền viên được huấn luyện, đào tạo theo đúng các tiêu chuẩn, yêu cầu của Công ước quốc tế STCW, đáp ứng được nhu cầu trong nước và làm việc trên các tàu biển nước ngoài.
Nguyễn Nhật