Phát biểu tại hội nghị “Vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, hợp tác để phát triển”, ông Takeo cho biết dù đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản giảm trong nửa đầu năm 2022, nhưng trong số các đối tác đầu tư lớn nhất thì Việt Nam đã có mức tăng trưởng ấn tượng với hơn 59% vào năm 2021 và hơn 45% trong năm nay.
Đây là con số cao nhất trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Kết quả khảo sát của JETRO năm 2021 cho thấy 55% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng kinh doanh và quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm giá trị gia tăng. Một cuộc khảo sát khác của JETRO với hơn 1.700 công ty tại Nhật Bản cho thấy Việt Nam chỉ đứng sau Mỹ về mức độ hấp dẫn đầu tư.
Trước đó, trả lời phỏng vấn của “The World and Việt Nam”, đầu tháng 5 vừa qua, Giám đốc điều hành JETRO Sasaki Nobuhiko cho biết số lượng các công ty Nhật Bản tại Việt Nam đang tăng lên, với khoảng 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản hiện đang hoạt động tại đây. Tổng vốn đầu tư của Nhật Bản là 64,5 tỷ USD vào 4.935 dự án tại Việt Nam. Ông cũng nhắc lại Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Nhật Bản và Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam.
Lý giải sự hấp dẫn của Việt Nam đối với các doanh nghiệp Nhật Bản, Thống đốc Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) Hayashi Nobumitsu ca ngợi những nỗ lực của Việt Nam trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, gọi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư Nhật Bản.
Về phần mình, Giám đốc Viện Hồ Chí Minh tại Đại học Tổng hợp quốc gia St.Petersburg Vladimir Kolotov nhận định sự ổn định của chế độ chính trị, tính minh bạch và khả năng dự đoán của môi trường đầu tư, việc mở cửa dần dần một số lĩnh vực của nền kinh tế cho sự gia nhập của vốn nước ngoài, hoàn thiện cơ sở pháp lý - tất cả những điều này đều rất có lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam.
Một ưu điểm nữa, Việt Nam là một quốc gia trẻ với công dân từ 25 đến 54 tuổi chiếm gần 45% dân số, 17,8% khác là người từ 15-24 tuổi. Việt Nam cũng đã gửi những sinh viên xuất sắc nhất sang học tập tại Nhật Bản, Mỹ, Australia, Nga và các nước khác. Ông Kolotov nhấn mạnh Nhật Bản đã tiếp nhận hơn hàng chục nghìn du học sinh và thực tập sinh kỹ thuật của Việt Nam. Trở về quê hương, họ trở thành những người dẫn dắt trải nghiệm Nhật Bản và thường xuyên đến làm việc tại các công ty Nhật Bản.
Ở Nhật Bản, chi phí lao động rất cao. Còn ở Việt Nam, đang kết hợp thành công việc sử dụng kinh nghiệm kinh doanh của nước ngoài với tinh thần yêu nước lành mạnh, không có tư tưởng bài ngoại. Giám đốc Kolotov khẳng định: "Việt Nam đang tích cực hội nhập vào chuỗi sản xuất toàn cầu, điều này được tạo điều kiện thuận lợi bởi sự hiện diện của các công ty đa quốc gia lớn trong nước, cụ thể là các đại gia ô tô Nhật Bản".