Tình hình kinh tế khó khăn nên nhiều doanh nghiệp (DN) phải trả mặt bằng do kinh doanh ế ẩm. Tuy nhiên, những nghiên cứu về thị trường bất động sản (BĐS) mới đây cho thấy, nhu cầu về mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam vẫn ở mức cao, nhất là khi hàng loạt thương liệu lớn nước ngoài đang có xu hướng mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Diện tích cho thuê tăng, giá giảm nhẹ
Những ngày này, người dân Thủ đô đi qua khu vực Kim Mã, Liễu Giai không khỏi choáng ngợp trước tòa nhà cao đồ sộ Lotte Center Hà Nội, dự kiến sẽ được khai trương vào ngày 2/9 tới đây. Dự án có tổng vốn đầu tư 400 triệu USD, diện tích sàn 247.075 m2 gồm 70 tầng, trong đó có 5 tầng hầm. Khi tòa nhà này đi vào hoạt động sẽ đóng góp một nguồn cung lớn cho thị trường mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội.
Mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam còn rất nhiều cơ hội khi nhiều doanh nghiệp nước ngoài có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam. |
Theo công ty chuyên nghiên cứu thị trường BĐS Savills Việt Nam, tại khu vực Hà Nội, tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ trong quý II khoảng 927.500 m2, tăng 2% so với quý trước và tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực nội thành Hà Nội chiếm thị phần lớn nhất với 45% tổng nguồn cung, còn khu vực trung tâm chỉ chiếm 3%. Sự gia nhập của Trung tâm mua sắm và siêu thị Lotte Mart ở quận Đống Đa, hay tòa nhà Lotte Center Hà Nội được coi là những nguồn cung lớn của thị trường.
Theo một báo cáo gần đây của CBRE, Việt Nam xếp hạng thứ hai trong 10 nước hấp dẫn nhất với các nhà bán lẻ châu Á trong năm 2014. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nằm trong danh sách 10 thành phố được lựa chọn để mở cửa hàng năm 2014. |
Tại TP Hồ Chí Minh, trong quý II, tổng nguồn cung bán lẻ đạt khoảng 870.000 m2, tăng 2% so với quý trước. Khu vực ngoại thành chiếm thị phần bán lẻ lớn nhất với 43% tổng nguồn cung, tiếp đến là khu vực nội thành (36%) và khu vực trung tâm (21%). Công suất cho thuê cũng tăng trưởng tốt ở mức 2%. Trong đó, công suất thuê của trung tâm bách hóa tăng trung bình 4%, khối đế bán lẻ (loại hình bán lẻ nằm tại các tòa nhà văn phòng hoặc chung cư) tăng 5% và khối trung tâm thương mại tăng 2%.
Vẫn theo Savills, trước sự gia tăng nguồn cung mới, giá thuê trung bình của khối đế bán lẻ tại Hà Nội giảm 13% theo quý, trung tâm thương mại giảm 0,2%, riêng trung tâm bách hóa không đổi. Còn theo công ty nghiên cứu BĐS CBRE, giá thuê trung bình toàn thị trường đạt khoảng 38,9 USD/m2/tháng, giảm 1,9% so với quý trước. Giá thuê giảm 2,2% tại khu vực trung tâm và giảm 1,9% tại khu vực ngoài trung tâm.
Đón đầu luồng khách ngoại
Ông Mark Burlton, Giám đốc toàn cầu Dịch vụ cho thuê và Tư vấn bán lẻ Cushman & Wakefield, dự báo, trong tương lai, nhu cầu về mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh. Hiện nay, nhiều nhãn hàng quốc tế đang tiếp cận thị trường châu Á. Qua khảo sát của Savills cho thấy, một lượng lớn các khách thuê đang tìm kiếm mặt bằng bán lẻ cho các nhà hàng, siêu thị, cửa hàng tiện ích và các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu.
Để đón đầu luồng khách ngoại vào Việt Nam, nhiều dự án mặt bằng bán lẻ đã được xây dựng. Theo dự báo của Savills Việt Nam, trong tương lai, sẽ có khoảng 1,3 triệu m2 diện tích bán lẻ mới của 46 dự án tại TP Hồ Chí Minh gia nhập thị trường. Còn tại Hà Nội, sẽ có khoảng 1,9 triệu m2 diện tích bán lẻ mới từ 98 dự án gia nhập thị trường. |
Mặt khác, nhìn vào con số doanh thu từ bán lẻ tại hai thị trường lớn nhất nước, có thể thấy, tiềm năng về mặt bằng bán lẻ cho thuê còn rất lớn. Cụ thể, doanh thu bán lẻ tại TP Hồ Chí Minh trong 6 tháng đầu năm 2014 ước đạt 312.000 tỷ đồng. Loại trừ yếu tố lạm phát, doanh thu bán lẻ của thành phố tăng khoảng 7,7% theo năm, cao hơn tỷ lệ tăng trưởng cả nước (5,7%). Còn doanh thu bán lẻ của Hà Nội trong nửa đầu năm 2014 cũng tăng khoảng 10,4%.
Khi Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại tự do trong năm 2015 sẽ tạo thêm nhiều động lực cho thị trường bán lẻ, khuyến khích các nhà bán lẻ giao dịch trực tiếp tại thị trường Việt Nam. Về khía cạnh pháp lý, Việt Nam sẽ hoàn toàn mở cửa thị trường bán lẻ vào tháng 1/2015 theo quy định của WTO. Bên cạnh đó, theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, Việt Nam đã giảm mức thuế nhập khẩu từ các quốc gia ASEAN xuống còn 0% cho 10.000 hàng hóa chịu thuế. Theo ông Mark Burlton, khi các nhà bán lẻ nước ngoài có cơ hội kinh doanh trực tiếp tại Việt Nam, họ sẽ có chính sách giá cả nhất quán hơn so với việc họ phải thông qua các nhà phân phối trong nước. Đặc biệt, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam cũng sẽ là cơ hội tốt cho các nhà bán lẻ quốc tế tham gia vào thị trường. Trong thời gian tới, thị trường bán lẻ Việt Nam được dự báo sẽ nhộn nhịp hơn và sẽ có thêm các nhà bán lẻ tham gia thị trường.
Hải Yên - Hoàng Dương (thực hiện)