Từ sáng sớm tiếng cối chày quết bánh phồng tại cơ sở bánh phồng Lâm, xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm rôm rả cả khu vực. Ông Lê Trúc Lâm chủ cơ sở bánh phồng Lâm cho biết, mỗi ngày cơ sở của ông cho ra lò khoảng hơn 10.000 cái bánh nhưng vẫn không đủ hàng để giao cho khách. Khoảng 10 năm nay, cơ sở của ông Lâm chuyển sang đầu tư máy móc hiện đại nên sản lượng bánh cũng tăng và thời gian hoàn thành sản phẩm nhanh hơn. So với mọi năm, năm nay số lượng người đặt bánh cũng tăng nên rất bận rộn. Cơ sở cũng đang chuẩn bị các lò sấy để đảm bảo nguồn hàng được cung ứng đầy đủ cho các khách hàng. Nhân công thường xuyên của cơ sở trung bình 7 người. Bên cạnh đó, cơ sở đang hoàn tất hồ sơ công nhận sản phẩm OCOP 3 sao nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.
Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc có 51 cơ sở sản xuất; trong đó có 26 cơ sở sản xuất bánh phồng mì dán chuối. Bánh phồng nếp Sơn Đốc được làm từ các nguyên liệu như nếp, nước cốt dừa, mì, sữa, đường, muối, mè, …
Song song với làng nghề bánh phồng Sơn Đốc, làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng (xã Mỹ Thạn, huyện Giồng Trôm) có khoảng 100 hộ tập trung sản xuất bánh tráng quanh năm, khoảng 200 hộ sản xuất vào dịp Tết. Hiện nay, đa phần các lò bánh được đầu tư máy móc sản xuất; chỉ còn khoảng 4 - 5 lò duy trì tráng thủ công truyền thống. Bánh tráng Mỹ Lồng khác với các loại bánh tráng nơi khác, nguyên liệu làm từ bột gạo và nước cốt dừa. Bên cạnh đó có thể pha chế thêm các nguyên liệu khác như: sữa, trứng, mè… tạo nên nét đặc trưng riêng có ở nơi đây.
Bà Nguyễn Thị Bạch Lan (chủ cơ sở bánh tráng Bảy Lan), xã Mỹ Thạnh cho biết, với thâm niên gần 40 năm trong sản xuất bánh tráng, trước đây bà Bảy Lan sản xuất truyền thống, nhưng 4 năm nay đã đầu tư máy móc công nghệ hiện đại. Có 20 lao động làm việc thường xuyên, 8 lao động làm theo thời vụ. Cơ sở sản xuất theo đơn của khách hàng trong và ngoài nước, đa số là miền Tây (Cà Mau, Cần Thơ, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh...).
Theo ông Lê Văn Nhân – Chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm, làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, làng nghề truyền thống bánh phồng Sơn Đốc có hơn 100 năm, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2018. Hiện các cơ sở đang chuẩn bị hàng tết nên sản lượng bánh tăng mạnh. Tính riêng tổng sản lượng 6 tháng cuối năm 2022 các cơ sở sản xuất được 20 triệu cái, đạt doanh thu trên 20 tỷ đồng. Sản phẩm được tiêu thụ rộng trong và ngoài nước, tập trung ở Tp. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông và miền Trung và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện ngành chức năng từng bước hỗ trợ người dân ứng dụng công nghệ vào sản xuất, để sản phẩm đạt chất lượng hơn, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, huyện xây dựng các tuyến du lịch gắn với tham quan làng nghề đẩy mạnh quản bá hai làng nghề giúp người dân phát triển bền vững hơn.
Bên cạnh làng nghề làm bánh phục vụ Tết, làng nghề sản xuất hoa kiểng Cái Mơn tại huyện Chợ Lách tấp nập các chuyến xe vận chuyển hoa đi khắp các tỉnh thành trong cả nước để phục vụ người dân.
Anh Nguyễn Văn Tâm, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách chia sẻ, năm nay gia đình anh cung ứng cho thị trường hơn 2.000 sản phẩm mai vàng. Hiện nay các sản phẩm đã được thương lái đặt mua đang vào giai đoạn xử lý ra hoa và vận chuyển đưa ra thị trường. Năm nay sản lượng hoa kiểng Tết có tăng cao nhưng do ảnh hưởng thời tiết nên nhà vườn cần phải tập trung chăm sóc mới cho ra được nhiều sản phẩm đẹp, độc đáo.
Theo ghi nhận, hiện dọc theo các tuyến đường tại khu vực sản xuất hoa tập trung của huyện Chợ Lách ở các xã Vĩnh Thành, Phú Sơn, Long Thới, Tân Thiềng… các phương tiện đang tập trung đóng hàng, vận chuyển hàng hóa đến các tỉnh thành trong cả nước.
Theo ông Trần Hữu Nghị, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, vụ hoa kiểng Tết năm 2023, toàn huyện Chợ Lách sản xuất hơn 12 triệu sản phẩm tăng hơn 4 triệu sản phẩm so với năm trước. Bên cạnh sản xuất các loại hoa kiểng truyền thống như các loại bông nở (cúc mâm xôi, vạn thọ, mào gà, cúc Hà Lan…), các loại kiểng (mai vàng, quất, bon sai…), hoa treo, kiểng lá. Đặc biệt, kiểng thú hình linh vật tết năm nay là con mèo cũng được người dân sản xuất, linh vật mèo được làm từ cây quất, linh sam, cây xanh; các sản phẩm uốn theo linh vật 12 con giáp được khách hàng săn đón tìm mua.