Chưa nên thành lập Hiệp hội
Ngày 13/7, Bộ Nội vụ có văn bản số 3664/BNV-TCPCP gửi nhiều bộ, ngành và 2 tỉnh Kon Tum, Quảng Nam, lấy ý kiến về việc thành lập Hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam. Theo văn bản này, ngày 21/6/2023, ông Võ Kim Cự, Trưởng ban vận động, đã gửi hồ sơ đề nghị thành lập Hiệp hội.
Trước đó, Ban vận động thành lập Hiệp hội đã được thành lập, gồm 16 người, trong đó có ông Võ Kim Cự, 4 người của Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam, 5 người của Công ty cổ phần rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum (là công ty thành viên của Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam).
Trả lời vấn đề này, văn bản góp ý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kon Tum (số 2425/SNN-KH ngày 29/7) nêu rõ: Qua nghiên cứu hồ sơ cá nhân giai đoạn từ năm 2018 đến nay, ông Võ Kim Cự làm cố vấn cao cấp cho Công ty cổ phần rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam. Qua theo dõi, hai công ty này chưa có sản phẩm sâm Ngọc Linh được khai thác trên địa bàn tỉnh Kon Tum, mà là triển khai đề tài khoa học trồng thử nghiệm cây giống sâm Ngọc Linh (nuôi cấy mô) trong môi trường dưới tán rừng tự nhiên.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận thấy việc ông Võ Kim Cự làm Trưởng ban vận động thành lập Hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam, tham gia lãnh đạo Hiệp hội, sẽ không thật sự thuyết phục và khó tạo được sự đồng thuận cao cho những tổ chức, cá nhân sản xuất sâm của tỉnh Kon Tum nói riêng và cả nước nói chung. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cũng nêu quan điểm, trước mắt chưa thành lập Hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam. Nội dung hoạt động của Hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam có những nét tương đồng với Hiệp hội dược liệu…
Đồng quan điểm, Sở Y tế tỉnh Kon Tum có ý kiến: Ông Võ Kim Cự làm Trưởng ban vận động, tham gia lãnh đạo Hiệp hội là chưa thuyết phục.
Liên quan đến việc đề nghị thành lập Hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam, tại văn bản số 1984/SNV-XDCQ&TCBM ngày 30/7, Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum nêu băn khoăn: Hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam có bao gồm sâm Ngọc Linh không? Tôn chỉ, mục đích của Hiệp hội sản xuất Sâm Việt Nam chưa rõ ràng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô nêu quan điểm: Đứng về góc độ phát triển dược liệu thì việc thành lập hiệp hội để kêu gọi nhiều nhà đầu tư, có thể tạo nên sức mạnh cho những đơn vị, doanh nghiệp sản xuất. Tuy nhiên, Kon Tum và Quảng Nam là 2 tỉnh duy nhất có trồng sâm Ngọc Linh (là 2 tỉnh được lấy ý kiến) nhưng các doanh nghiệp trồng sâm ở 2 tỉnh lại không là thành viên của Ban vận động Hiệp hội là không hợp lý.
Kiến nghị thanh tra toàn diện
Ngày 19/7/2023 vừa qua, Công ty cổ phần rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum đã có công văn số 29/CV-CTRSNL yêu cầu UBND huyện Tu Mơ Rông giải thích lý do thu hồi giấy xác nhận có nội dung Công ty đã và đang sản xuất, trồng, bảo vệ, bảo tồn và khai thác sâm Ngọc Linh tại địa bàn huyện theo Quyết định 4025/QĐ-BKHCN năm 2018 của Bộ Khoa học Công nghệ. Công ty đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra cụ thể, kết luận khách quan.
Trước các yêu cầu trên, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông cho biết: Lý do thu hồi giấy xác nhận là vì việc ban hành chưa đúng quy trình (chưa qua bộ phận tham mưu, thẩm định), có nội dung chưa đúng thực tế. Cụ thể, nội dung “khai thác cây sâm Ngọc Linh tại địa bàn huyện Tu Mơ Rông” là chưa có cơ sở. Việc khẳng định sâm của Công ty cổ phần rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum đang ươm nuôi cấy mô, gieo từ hạt và sâm mua từ các hộ dân trên địa bàn có phải là sâm Ngọc Linh hay không, phải dựa vào luận chứng khoa học thông qua kiểm định, xét nghiệm gen, AND…
Được biết, việc thu hồi giấy xác nhận trên được Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông thực hiện từ ngày 31/12/2022. Văn bản trên cũng đã được gửi cho Công ty.
Ngoài ra, tại văn bản trả lời ý kiến của doanh nghiệp (1821/UBND-TCKH ngày 28/7), Ủy ban nhân dân huyện gửi kiến nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo và kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum cho thành lập đoàn liên ngành thanh tra toàn diện dự án Nuôi cấy mô và các hoạt động của Công ty cổ phần rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum. Mục đích thanh tra là để làm rõ việc triển khai dự án nhằm bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng như bảo vệ thương hiệu Sâm Ngọc Linh.
Từ đầu năm đến nay, phóng viên TTXVN đã có nhiều tin, bài phản ánh về việc Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam dù chưa trồng một cây sâm nào nhưng vẫn công bố sở hữu vườn sâm Ngọc Linh “lớn nhất thế giới” trên đỉnh núi Ngọc Linh. Trên thực tế, Công ty cổ phần rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum (thành viên của Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam) đang triển khai dự án Nuôi cấy mô (được 4 năm), vừa được bàn giao hơn 24,4 ha vào cuối tháng 10/2022 để liên kết thí điểm đưa cây sâm giống nuôi cấy mô ra ngoài thực địa tại huyện Tu Mơ Rông. Sau loạt bài viết của phóng viên TTXVN, Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam đã gỡ bỏ toàn bộ số liệu về vườn sâm lớn nhất trên website của mình.