Đó là nội dung được nhiều đại biểu nêu ra tại tọa đàm “Tiềm năng phát triển du thuyền và kinh tế ven sông Sài Gòn”, do Báo Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh tổ chức sáng 12/12.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Tp. Hồ Chí Minh, hiện tại có nhiều doanh nghiệp tâm huyết, sẵn sàng phát triển du lịch đường sông, gắn chặt lợi ích cộng đồng. Việc phát triển du lịch đường sông và giao thông đường thủy sẽ hình thành hệ thống các dịch vụ ven bờ sông, bến bãi, nhà chờ... Người dân cũng sẽ được hưởng lợi nếu thành phố phát triển kinh tế sông Sài Gòn gắn với cộng đồng, đường thủy và góp phần giảm tải lớn cho giao thông đường bộ hiện nay.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu cũng lưu ý, không nên chăm chăm nhìn vào hai bên bờ sông để phát triển bất động sản mà cần nhìn rộng về các lợi ích dọc bờ sông. Khi đó, phát triển không gian dọc bờ sông sẽ tạo được một không gian phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ hiện đại mà không tách rời khỏi nét đẹp văn hóa, bản sắc sông Sài Gòn.
Để phát triển kinh tế ven sông, Tp. Hồ Chí Minh đang triển khai Đề án Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông Thành phố năm 2023 – 2024. Thành phố giao cho các sở ngành nghiên cứu, đề xuất những giải pháp hạ tầng kỹ thuật xanh, kết nối giao thông, điều chỉnh quy hoạch, phát triển không gian bến bãi... Thành phố cũng khuyến khích nhà đầu tư ưu tiên triển khai những hạng mục công trình công cộng, thương mại, dịch vụ, công viên… hướng đến một hệ sinh thái kinh tế ven sông xanh, sạch, bền vững, hiện đại.
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh Bùi Hòa An cho biết, những đô thị lớn trên thế giới đều được hình thành và phát triển từ các châu thổ ven sông. Tp. Hồ Chí Minh đã có ý tưởng nghiên cứu đường ven sông Sài Gòn có độ dài 80 km để kết nối với vùng Đông Nam bộ. Hiện các sở ngành thành phố đang nghiên cứu sơ bộ đường ven sông, đoạn từ cầu Thủ Thiêm tới Bình Triệu dài khoảng khoảng 4 km.
Theo ông Bùi Hòa An, đường ven sông Sài Gòn sẽ mở ra hướng mới để phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ, tạo điểm nhấn về cảnh quan sông nước, phát triển du lịch, dịch vụ ven sông, phát triển kinh tế ven sông. Tuyến đường này cũng kết nối các tuyến Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 4 và tuyến cao tốc, giúp giảm áp lực cho giao thông đường bộ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung (Sở Quy hoạch Kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh) cho rằng, quy hoạch đường ven sông cần đặt trong bối cảnh và tích hợp vào điều chỉnh quy hoạch chung Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Sông Sài Gòn có hành lang sông nước nên việc tích hợp đầu tư cơ sở hạ tầng, hoạt động trên bến dưới thuyền hay trên mặt nước… rất quan trọng.
Đặc biệt, sông Sài Gòn có vị trí chiến lược trong mạng lưới giao thông Tp. Hồ Chí Minh. Dọc theo bờ sông Sài Gòn là những địa điểm quan trọng, trong đó có nhiều di tích lịch sử - văn hóa như Bến Nhà Rồng, Chợ Lớn, Cột cờ Thủ Ngữ, Bến Bình Đông đến những công trình hiện đại như cầu Ba Son, Công viên bến Bạch Đằng, tòa tháp Landmark… Tp. Hồ Chí Minh có lợi thế về một mạng lưới giao thông đường thủy khá phát triển, tổng chiều dài 913 km. Thành phố đã triển khai nhiều tuyến đường thủy tập trung ở trung tâm thành phố, thuận lợi trong việc vận chuyển hành khách kết hợp du lịch đường thủy.
Các chuyên gia cũng nhận định, phát triển đường sông, đường biển là một yếu tố rất quan trọng trong mục tiêu phát triển kinh tế; mong muốn thành phố không chỉ phát triển về đường sông mà còn tạo điều kiện để phát triển sản phẩm du thuyền, nhà hàng, taxi đường sông và nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn. Thành phố có thể hoạch định những tuyến đường ven sông để khi khách tới với thành phố có thể đi ven sông, ngắm nhìn giá trị của hệ thống sông ngòi, đồng thời kết nối thuận tiện với bến thủy nội địa.
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Câu lạc bộ Du thuyền thành phố Thủ Đức đề xuất, Tp. Hồ Chí Minh cần phát triển cảng du thuyền và trung tâm dịch vụ du lịch ven sông để thu hút du khách và người chơi du thuyền trong nước và quốc tế đến thành phố để tạo ra nguồn thu nhập mới. Sông Sài Gòn hoàn toàn có thể trở thành dòng sông di sản, văn hóa, giao thông và kinh tế như sông Chao Phraya (Bangkok), sông Hoàng Phố (Thượng Hải), sông Hàn (Seoul)… mang lại hàng tỷ USD mỗi năm nếu khai thác tốt mặt nước, bờ sông và quỹ đất ven sông.