Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử chủ trì; hơn 100 chủ thể OCOP vùng Đồng bằng sông Cửu Long và 43 doanh nghiệp (gồm 24 nhà thương mại, siêu thị, sàn thương mại điện tử và 19 doanh nghiệp đầu vào, doanh nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp công nghệ) tham dự hội nghị.
Đến nay, sau hơn 5 năm triển khai, cả nước đã có trên 10.800 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của trên 5.600 chủ thể OCOP; trong đó có 37,9% là hợp tác xã (HTX), 24% là doanh nghiệp, 35,2% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. Sản phẩm OCOP đã từng bước khai thác và phát huy được những giá trị đặc sản, văn hóa và giá trị truyền thống của địa phương.
Riêng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đến nay đã có trên 2.000 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên (chiếm 18,8% tổng số sản phẩm OCOP của cả nước), với 922 chủ thể OCOP; trong đó bao gồm: 28,5% là doanh nghiệp, 18,9% là HTX và 52,4% là các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có hướng tiếp cận phù hợp khi tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm truyền thống, sản phẩm đặc trưng, gắn với lợi thế của các vùng nguyên liệu tập trung tại chỗ, như: trái cây, thủy sản, lúa gạo... để phát triển các sản phẩm đặc sắc, mang sắc thái riêng của vùng sông nước. Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại cũng đã được các địa phương trong vùng quan tâm, chỉ đạo triển khai, bằng chứng là nhiều hội chợ, lễ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh và vùng.
“Có thể nói, mỗi sản phẩm OCOP đã mang trên mình vai trò như một “đại sứ” của từng vùng, miền và chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang nhiều tính nhân văn. Sản phẩm OCOP đã và đang đáp ứng được nhu cầu của thị trường về tiêu dùng các sản phẩm đặc sản, truyền thống của địa phương. Phát triển các sản phẩm OCOP đã góp phần chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất gắn với kinh doanh nông nghiệp, đặc biệt là gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với phát triển kinh tế, dịch vụ và du lịch của các địa phương. Sản phẩm OCOP đang mở ra tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế nông thôn, đồng thời, góp phần không nhỏ trong việc quảng bá giá trị văn hóa, du lịch, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của các địa phương”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá.
Thông tin về tình hình phát triển các sản phẩm OCOP thời gian qua tại tỉnh Cà Mau, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử chia sẻ, đến nay đã có 145 sản phẩm được công nhận OCOP; trong đó có 32 sản phẩm 4 sao, 113 sản phẩm 3 sao. Hiện nay các sản phẩm OCOP đã tiêu thụ qua nhiều kênh bán hàng như điểm giới thiệu và bán sản phẩm đặc sản, đặc trưng OCOP gắn với các khu du lịch trên địa bàn tỉnh. Một số sản phẩm được đưa vào các hệ thống phân phối hiện đại trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm đã liên kết với các đại lý ngoài tỉnh Tp. Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Hà Nội... Đồng thời, một số sản phẩm đã được kết nối trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Đặc biệt, 100% các sản phẩm OCOP tỉnh đều được đưa lên trang sàn thương mại điện tử của tỉnh (madeincamau.com).
“Sau khi được công nhận, để đảm bảo nguồn cung đáp ứng nhu cầu của thị trường, các chủ thể đã chủ động mở rộng vùng nguyên liệu, đầu tư nhà xưởng, nâng cấp trang thiết bị máy móc hiện đại phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Qua kết quả khảo sát cho thấy các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận có doanh thu tăng khoảng 10 - 30%, hầu hết giá bán sản phẩm tăng 20%, cá biệt có một số sản phẩm giá bán tăng 25 - 30%, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 600 người lao động với mức lương dao động từ 3 - 5 triệu đồng/tháng”, ông Lê Văn Sử, phấn khởi nói.
Tuy nhiên, theo ngành chức năng các địa phương, từ thực tế đã qua cho thấy, một số sản phẩm được các chủ thể là công ty, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư quảng bá, giới thiệu sản phẩm khá tốt. Còn lại hầu hết các sản phẩm của chủ thể là hợp tác xã, tổ hợp tác hay hộ sản xuất kinh doanh cá thể không làm tốt khâu quan trọng này. Nguyên nhân chủ yếu là do năng lực quản trị, điều hành hoạt động sản xuất còn hạn chế, khó khăn trong tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin...
Ngoài ra, việc tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP của chính quyền cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, nên mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của chương trình chưa thật sự lan tỏa. Tình trạng giá cả bấp bênh, "được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa" vẫn thường xuyên xảy ra. Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị các sản phẩm đã được hình thành nhưng chưa ổn định, thiếu bền vững…
Do đó, nhân hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo, chuyên gia và đại diện các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã quan tâm, tham gia đóng góp nhiều ý kiến xung quanh vấn đề giao thương kết nối sản phẩm OCOP với các hệ thống thương mại… Với kỳ vọng, thông qua hội nghị lần này, cùng với các hoạt động chia sẻ, kết nối giữa các bên sẽ góp phần hỗ trợ tích cực cho các chủ thể OCOP tỉnh Cà Mau nói riêng, các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung sẽ cùng với các địa phương khác trên toàn quốc tìm được cơ hội hợp tác, xây dựng kênh liên kết, tiêu thụ ổn định thông qua các hệ thống siêu thị và các nhà phân phối, thương mại.