Ngày 31/10, Quốc hội thảo luận về kết quả tình hình kinh tế- xã hội năm 2013 và kế hoạch phát triển năm 2014; kết quả thực hiện từ năm 2011 đến nay và phướng hướng phát triển mục tiêu kinh tế- xã hội đến 2015 trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm (2011-1015).
Trong đó, dù kinh tế khó khăn nhưng Chính phủ vẫn không cắt giảm ngân sách cho chương trình an sinh xã hội và đạt những kết quả đáng ghi nhân, bền lề Quốc hội, Tin Tức có dịp trao đổi đại biểu ông Đỗ Mạnh Hùng, đoàn Thái Nguyên, Phó Chủ nghiệm UB các vấn đề xã hội xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, về phần đánh giá kết quả đạt được trong các vấn đề xã hội trong tổng thế phát triển kinh tế xã hội 3 năm qua, có nhiều ý kiến về kết quả đã đạt được nhưng chưa bền vững, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Đối với UB các vấn đề xã hội của Quốc hội chúng tôi quan tâm nhiều đến các mục tiêu thiên niên kỷ, trong đó có vấn đề giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, an sinh xã hội.
Trong đó giảm nghèo là thành tựu nổi bật của Việt Nam. Tính từ năm 2010 đến nay, hộ nghèo giảm từ 14,2% xuống 7,6%, tức là giảm gần 50% hộ nghèo trong 3 năm.
Tình hình phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS cũng chuyển biến khá tích cực, số người nhiễm mới giảm hẳn. Chúng ta đang phấn đấu đến mục tiêu “3 không”, tức là không có người nhiễm mới, không có người chết vì bệnh AIDS và không còn hiện tượng kỳ thị, phân biệt, đối xử. Đối với an sinh xã hội hiện chúng ta đang thực hiện tốt các chính sách về bảo hiểm, trong đó có những chính sách mới như về bảo hiểm thất nghiệp, các loại bảo hiểm tự nguyện. Chúng ta cũng thực hiện tốt với các chính sách trợ cấp xã hội, trong đó quan tâm đến những người có hoàn cảnh khó khăn, người cao tuổi, người khuyết tất.
Về giáo dục, chúng ta cũng có những đầu tư thỏa đáng. Hiện nay tỷ lệ ngân sách dành cho giáo dục, là một trong những nước có tỷ lệ khá cao. Và sự phát triển giáo dục ở các cấp cũng đã được khẳng định.
Tuy nhiên, chúng tôi thấy vẫn còn nhiều việc phải làm, trong đó tính bền vững còn chưa được khẳng định. Tỷ lệ hộ cận nghèo, tái nghèo còn cao. Trong suốt thời gian dài vừa qua, chúng ta đánh giá nghèo trên phương diện đơn chiều, chủ yếu theo góc độ thu nhập. Thời gian tới đây, chúng ta chuyển mạnh hơn sang chuẩn nghèo đa chiều, tức là, ngoài đánh trên tiêu chuẩn thu nhập sẽ đánh giá trên góc độ, khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản như: Nhà ở, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, trợ giúp pháp lý, thông tin và các dịch vụ thiết yếu khác như nước sạch, điện thắp sáng. Điều này cũng đặt ra thách thức mới và cũng đòi hỏi nguồn lực nhiều hơn. Chúng ta vẫn chuyển hướng đồng bộ và rõ ràng hơn nữa về giảm nghèo theo hướng đa chiều.
Về giáo dục, chất lượng đào tạo các cấp chưa đạt như yêu cầu, hiện tượng kiến thức, trình độ chưa tương xứng với bằng cấp khá phổ biến và cũng lúng túng trong định hướng cải cách giáo dục, cũng có ý kiến cho rằng lãng phí về thời gian, tiền của trong định hướng cải cách giáo dục.
Y tế và phòng chống HIV vẫn còn nhiều bất cấp như nhu cầu chăm sóc sức khỏe và khả năng của các cơ sở y tế nên dẫn đến tình trạng quá tải, không kiểm soát được dịch bệnh. Do đó phải đặt ra chương trình đi kèm và giải pháp thiết thực thực hiện tốt hơn mục tiêu này.
Thoát nghèo được nhìn nhận như là thành công Việt Nam trong thời gian qua nhưng các chương trình vẫn thiên nhiều về hỗ trợ trực tiếp, trong khi để thoát nghèo bền vững cần “phải cho cần câu hơn là cho con cá”, ý kiến ông về vấn đề này ra sao?
Chúng ta cũng thấy vấn đề này và đã đưa giải pháp trong đó có dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh nhưng hiệu quả chưa cao. Như đối với chương trình dạy nghề theo Quyết định 1956 của Chính phủ cũng đã được triển khai với nguồn lực không nhỏ. Nhưng vừa qua có hiện tượng là chúng ta chạy theo mô hình huyện nào cũng có trung tâm dạy nghề, vì thế nguồn lực này dành phần lớn cho xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng trung tâm, lớp học với nhà quản lý tốn kém trong khi tiền thực sự cho dạy nghề chiếm tỷ lệ thấp. Thời gian tới, theo tôi việc dạy nghề tạo việc làm, hỗ trợ sản xuất kinh doanh cần được hỗ trợ quan tâm hơn, tức là nghĩ đến việc hướng dẫn giúp họ “câu cá và trang bị cho họ cần câu” được chú ý nhiều hơn.
Việc làm là vấn đề quan tâm của rất nhiều người dân nhưng đang có sự mâu thuẫn giữa việc kinh tế khó khăn nhưng tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam thuộc loại thấp, trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua Luật Việc làm, vậy theo ông, Chính phủ cần đánh giá đúng về thực trạng việc làm hiện nay?
Trong dự thảo Luật việc làm có nhiều điểm cần nghiên cứu thêm, như khái niệm việc làm trong dự thảo Luật có nêu, việc làm là việc không trái pháp luật tạo thu nhập. Nhưng theo tôi xem xét lại khái niệm này vì định nghĩa việc làm như vậy còn quá nhẹ nhàng và sau này cơ quan nhà nước thống kê việc này thoải mái vì thu nhập chỉ 5.000 đồng/ngày cũng là có việc làm thì như thế không cần thiết kế hệ thống chính sách. Chúng tôi cho rằng khái niệm việc làm gắn với thu nhập hợp lý và xứng đáng và trên cơ sở đó mới xây dựng hệ thống chính sách cần thiết để xử lý vấn đề việc làm. Theo tôi có những chính sách sau:
Trước hết là đẩy mạnh xã hội hóa, Nhà nước không thể đứng ra lo việc làm cho mấy chục triệu con người. Để cho sức sáng tạo của người dân, bằng cơ chế chính sách và hỗ trợ nguồn lực Nhà nước để người ta lo việc làm và đây là giải pháp bền vững.
Tiếp đến, chúng ta quan tâm đến việc gắn với dạy nghề để trang bị kỹ năng lao động. Nếu người dân được dạy nghề, kiến thức kỹ năng lao động thì họ sẽ chủ động khai thác tiềm năng tại địa phương để tự giải quyết việc làm.
Sau cùng là việc hình thành quỹ và gắn với đó là gắn với đó là chế độ bảo hiểm thất nghiệp bởi đó là hình thức hỗ trợ trực tiếp và cần thiết bởi khi chưa có việc làm thì người lao động ở thời điểm khó khăn và nếu có hỗ trợ để họ vượt qua thời điểm khó khăn đó thì họ sẽ có cách tìm việc làm bền vững hơn.
Xin cám ơn ông!
Xuân Cường (thực hiện)