Nhiều doanh nghiệp phân phối hàng hóa 'méo mặt' vì dịch COVID-19

Các nhà phân phối lớn trên thị trường bán lẻ Việt Nam như Aeon, Lottte, Saigon Co.op… đều ghi nhận doanh thu sụt giảm mạnh do tác động của dịch COVID-19. Thậm chí, có đơn vị còn dự báo doanh thu giảm hàng nghìn tỷ đồng nếu dịch kéo dài.

Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ lớn bị giảm mạnh về doanh thu. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 3 tháng đầu năm ước đạt khoảng 1.246.000 tỷ đồng, tăng 4,67% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm gần đây (năm 2019 tăng 11,96%; 2018 tăng 9,86%; 2017 tăng 9,18%; 2016 tăng 9,7%).

Tính riêng trong tháng 3, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đã giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm đầu tiên trong giai đoạn 2016 – 2020 (tốc độ tăng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 so với cùng kỳ năm trước trong các năm 2016 - 2019 lần lượt là: 10,4%; 12,2%; 11,4%; 12,3%).

Chú thích ảnh
Người dân mua thực phẩm tại siêu thị Mega Market Hoàng Mai. 

Một số doanh nghiệp phân phối cho biết, dịch COVID-19 đã tác động trực tiếp tình hình kinh doanh của hệ thống, so với tháng 1 - 2/2019, doanh số bán hàng có tăng, nhưng tốc độ tăng chậm hơn; nhóm hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm có tăng do tâm lý tích trữ trước diễn biến phức tạp của dịch; nhóm hàng hóa khác giảm. 

Nhìn chung, hoạt động kinh doanh trong 2 tháng đầu năm của các doanh nghiệp đều sụt giảm so với cùng kỳ năm 2019, dự kiến đến hết quý I/2020 sẽ còn tiếp tục giảm.

Lotte cho biết, doanh thu giảm khoảng 50% so với tháng 1/2020 và giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2019; Aeon Việt Nam sụt giảm doanh thu 2% trong tháng 1 và giảm 6% trong tháng 2/2020 so với kế hoạch đề ra. Còn Saigon Co.op có doanh thu bán lẻ trong 2 tháng đầu năm giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước và có thể bị sụt giảm 1.000 tỷ đồng nếu dịch được kiểm soát trong quý II, và giảm 2.000 tỷ đồng nếu dịch tiếp tục kéo dài. Cùng với đó, doanh thu cho thuê mặt bằng của doanh nghiệp giảm 50%... 

Với các doanh nghiệp kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), sản lượng của các doanh nghiệp kinh doanh LPG sụt giảm từ 40 - 50% do nhu cầu sử dụng giảm đột ngột từ khu vực sản xuất công nghiệp, các nhà hàng, khách sạn đóng cửa hàng loạt.

“Số lượng lao động trong ngành phân phối LPG bị ảnh hưởng lớn do sản lượng kinh doanh giảm. Ước tính khoảng 30.000 lao động tham gia trực tiếp bán lẻ LPG, 2.500 lao động làm việc trực tiếp tại trạm nạp, trạm cấp và các lao động trực tiếp vào hoạt động dịch vụ như vận tải, bảo dưỡng, bảo trì...”, Bộ Công Thương đưa ra con số tính toán.

Bên cạnh đó, diễn biến giá LPG thế giới giảm mạnh. Đặc thù kinh doanh LPG chủ yếu ký kết mua bán, nhập khẩu LPG có hợp đồng dài hạn, chốt giá trước. Vì vậy, các doanh nghiệp LPG hiện đang tồn dư lượng hàng lớn với giá thành cao. Các cơ sở kinh doanh khí như trạm chiết nạp, trạm cấp, cửa hàng bán lẻ LPG ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng.

Đối với mặt hàng xăng dầu, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tiêu thụ xăng dầu giảm mạnh, tồn kho của các doanh nghiệp đang ở mức cao.

Theo ước tính của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, lượng tiêu thụ xăng dầu giảm khoảng 30% so với trước. Lượng tồn kho xăng dầu này ngoài việc làm phát sinh chi phí lưu kho còn gây ra thiệt hại lớn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khi giá xăng dầu thế giới liên tục giảm thời gian vừa qua.

Dự báo, nếu dịch bệnh kéo dài sẽ tác động trực tiếp đến doanh nghiệp phân phối. Doanh thu bán hàng giảm do cầu các mặt hàng thời trang, điện tử, điện máy... thấp, nhưng chi phí của doanh nghiệp khó giảm vì vẫn phải duy trì bộ máy và đảm bảo dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường. Một số doanh nghiệp phân phối có thể phải dừng hoạt động hoặc giảm quy mô. Người lao động sẽ phải giảm giờ làm, hoặc không có việc làm ảnh hưởng  đến an sinh xã hội.

Theo Bộ Công Thương, trong giai đoạn hiện nay, cần có cơ chế hỗ trợ để doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung xăng dầu cung cấp liên tục cho thị trường, phục vụ đời sống, sản xuất của người dân.

Tin, ảnh: Thu Trang/Báo Tin tức
Không thanh tra doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
Không thanh tra doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Ông Vũ Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ thanh tra, kiểm tra (Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính) cho biết: Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các cục thuế không thanh tra với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, chỉ tập trung thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN