Nhiều diện tích cây công nghiệp thiệt hại do hạn hán

Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh Kon Tum, đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 1.000 ha cây trồng các loại bị thiệt hại do hạn hán; trong đó, chủ yếu là cây công nghiệp như cà phê, cao su,… với gần 674 ha; lúa hơn 374 ha; còn lại là cây rau màu và các loại cây trồng khác.

Ngoài ra, toàn tỉnh cũng có trên 1.700 giếng nước, công trình nước sinh hoạt bị khô hạn, ảnh hưởng đến đời sống của trên 2.600 hộ dân.

Chú thích ảnh
Người dân Kon Tum đào giếng tìm nguồn nước sinh hoạt giữa cao điểm mùa khô. 

Ông Trần Văn Lực, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kon Tum cho biết, các diện tích cây trồng bị thiệt hại chủ yếu do nằm ngoài vùng tưới của các công trình thủy lợi hoặc trồng không theo kế hoạch sản xuất của các địa phương. Tuy nhiên, để hạn chế tối đa thiệt hại do hạn hán, tỉnh Kon Tum đã yêu cầu các địa phương chủ động bố trí nguồn kinh phí, đầu tư máy bơm công suất cao để đưa nước đến các vùng thiếu nước tưới. Mặc dù từ giữa tháng 5/2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số trận mưa, song chỉ giải quyết được vấn đề “khát nước” cho cây trồng tạm thời, chứ chưa đảm bảo được nguồn nước tưới.

Theo thống kê, toàn tỉnh Kon Tum hiện có 543 công trình thủy lợi lớn nhỏ, công suất thiết kế tưới cho khoảng 20.000 ha cây trồng. Trong khi đó, diện tích cần tưới hiện nay của tỉnh là 90.000 ha, gấp 4,5 lần so với năng lực tưới của các công trình thủy lợi.

Để chủ động nước tưới cho nông dân, đặc biệt là vào mùa khô, UBND tỉnh Kon Tum đã có dự án quy hoạch phát triển hệ thống thủy lợi. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn khiến việc hệ thống kênh mương nội đồng chưa thực sự phát triển. Đây cũng là nguyên nhân khiến việc phòng, chống thiệt hại do hạn hán của tỉnh gặp nhiều khó khăn.

Chú thích ảnh
Nhiều diện tích lúa bị thiệt hại do hạn hán ở Kon Tum.

Đối với vấn đề giếng khô hạn, ông Trần Văn Lực cho biết, qua quá trình khảo sát, xác định các giếng nước bị khô hạn không nằm liền kề mà xen kẽ giữa các hộ dân với nhau. Vì vậy, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trước mắt sẽ tập trung cấp nước tạm thời cho các hộ dân thiếu nước; đồng thời tuyên truyền, vận động các hộ dân còn nước chia sẻ cho các hộ dân thiếu nước để vượt qua giai đoạn khốc liệt của mùa khô.

“Về lâu dài, chúng tôi khuyến cáo nông dân không phát triển lúa nước ở các khu vực ngoài vùng tưới của các công trình thủy lợi; các địa phương cũng cần chủ động nguồn nước, khảo sát và đưa vào sản xuất các loại cây trồng sử dụng ít nước cho nông dân để tránh thiệt hại ở các vụ sau”, ông Lực cho biết thêm.

Tin, ảnh: Dư Toán (TTXVN)
Đào ao, xây bể tích trữ nước để ứng phó với hạn hán
Đào ao, xây bể tích trữ nước để ứng phó với hạn hán

Đào ao, xây bể tích trữ kết hợp đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm đang là cách mà người nông dân ở Bình Thuận thực hiện để sử dụng nguồn nước hiệu quả đồng thời ứng phó, thích nghi với tình trạng hạn hán.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN