Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại Hội nghị Tổng kết chương trình phát triển miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020 của ngành Công Thương tổ chức ngày 11/8, tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, triển khai thực hiện Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 30/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020, qua 5 năm triển khai, chương trình đã đem lại những kết quả tích cực về sản xuất, phân phối và tiêu dùng trên các địa bàn còn nhiều khó khăn.
Không chỉ kết nối và thu hút được các thương nhân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động thu mua, quảng bá sản phẩm hàng hóa nông, lâm thủy sản của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, mà thông qua các hội nghị, hội thảo, chương trình còn hình thành được những chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, một trong những kết quả nổi bật mà chương trình đạt được trong 5 năm qua là khuyến khích phát triển các mặt hàng là lợi thế của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Đến nay, nhiều huyện miền núi đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung, sản xuất hiệu quả cao, xây dựng và phát triển được các thương hiệu nông sản hàng hóa tại thị trường trong nước và quốc tế.
Điển hình như: Vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, mỳ Chũ, mật ong rừng Sơn Động, Chè shan tuyết Mộc Châu, Cam Cao Phong, miến dong Bắc Kạn, bưởi Đoan Hùng… cùng với nhiều sản phẩm nông sản thế mạnh khác đã được đưa vào các hệ thống bán lẻ lớn như Big C, MM Mega Market, Aeon, Saigon Co.op… sau đó xuất khẩu ra nước ngoài.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đang gặp phải không ít khó khăn, bất cập. Nhất là nguồn lực thực hiện các cơ chế, chính sách đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo hàng năm chưa được cụ thể hóa trong Luật Ngân sách, nên các bộ, ngành và địa phương bị động trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện.
Ngoài ra, các mặt hàng là tiềm năng mới chỉ đạt ở mức sản xuất nhỏ lẻ, đơn thuần, thiếu tập trung, chưa đủ lớn để thu hút đầu tư phát triển, chưa được các tổ chức/cá nhân chú trọng đến bao bì, mẫu mã, đăng ký nhãn hiệu và chủ yếu là sản xuất thô sơ, không có giá trị cao.
“Khả năng thông tin, tiếp cận thị trường, chất lượng lao động còn hạn chế khiến hàng hóa chưa có tính ổn định, chưa có tính bền vững. Các cơ sở, doanh nghiệp thiếu tính chủ động, chưa tích cực tham gia các hoạt động kết nối, thiếu và yếu về năng lực quản lý, tìm kiếm và phát triển thị trường, phát triển sản phẩm. Quy mô doanh nghiệp đa phân nhỏ lẻ...", bà Lê Việt Nga cho biết.
Vì vậy, Bộ Công Thương sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt thực hiện chương trình 5 năm giai đoạn 2021 – 2025; bố trí đủ kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước hàng năm để thực hiện theo kế hoạch hàng năm; đồng thời đề xuất Chính phủ cần có chính sách khuyến khích, ưu đãi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, tạo điều kiện thúc đẩy thương mại tại khu vực này.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 30/6/2015, phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020, thực hiện tại 287 huyện có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn thuộc 48 tỉnh/thành khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, với tổng kinh phí là 446 tỷ đồng được huy động từ ngân sách. Mục tiêu của Chương trình là phấn đấu đạt mức tăng trưởng hàng năm về tổng mức bán lẻ của hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo khoảng từ 10-12%, số lượng thương nhân, doanh nghiệp có năng lực thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo mỗi năm tăng trung bình 8-10%.