Nhiều công trình giao thông tắc tiến độ

Chậm tiến độ đang là tình trạng chung của nhiều các công trình giao thông trọng điểm ở nước ta. Tình trạng này ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế xã hội của các địa phương.

Vì vậy, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phải quyết liệt vào cuộc để có các giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm.

Tiến độ ì ạch

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là một trong những công trình giao thông trọng điểm có tiến độ ì ạch. Tuyến đường sắt này chạy qua nhiều tuyến đường huyết mạch của Thủ đô là Nguyễn Trãi, Trần Phú (Hà Đông), Hoàng Cầu, Cầu Giấy, Xuân Thủy, Hồ Tùng Mậu… Đây vốn là những tuyến đường đau khổ về tắc nghẽn, tai nạn giao thông. Tuy nhiên, từ khi có công trường, hàng vạn hộ dân sinh sống bên những tuyến đường trên cũng như người tham gia giao thông lại khốn khổ hơn trăm bề.

Nhà chờ xe buýt BRT trên đường Láng Hạ lâu ngày đã xuống cấp.

Anh Nguyễn Văn Đức, một người dân ở phố Hoàng Cầu bức xúc, những lô cốt, rào chắn được dựng lên tại công trường xây dựng tuyến đường sắt này khiến cho những con đường vốn chật hẹp lại càng ngộp thở hơn. Hàng ngày, người dân sống hai bên đường và người tham gia giao thông đều “nơm nớp” lo sợ vật liệu rơi vào đầu khi di chuyển qua “hầm chui” giàn giáo.

Theo quan sát của phóng viên, dưới những giàn giáo đang chống đỡ cho cả trăm tấn sắt thép, bêtông để thi công các nhà ga… là những tấm lưới mỏng manh. Ngăn cách công trường ngồn ngộn sắt thép, bêtông với hàng trăm lượt người dân qua lại trên đường là những hàng rào tôn vô cùng tạm bợ.

“Dự án chậm tiến độ ngày nào thì bà con còn khổ ngày đó. Vì vậy, người dân mong muốn dự án được thi công nhanh, sớm trả lại mặt bằng để an tâm làm ăn sinh sống”, anh Đức đề nghị.

Được khởi công cuối năm 2011 tới nay, tức là đã sau 5 năm thi công nhưng dự án Cát Linh - Hà Đông mới hoàn thành được 74% tiến độ trong khi đó cam kết của chủ đầu tư là hết năm 2016 sẽ đưa dự án này vào vận hành khai thác thương mại. Mặc dù Bộ GTVT đã rất nhiều lần yêu cầu dự án này phải đẩy nhanh tiến độ nhưng cho đến nay, tiến độ thi công của dự án này vẫn hết sức ì ạch.

Dự án BRT Kim Mã - Yên Nghĩa do quá trình thi công phải điều chỉnh thiết kế nên chậm tiến độ. Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh

Dự án giao thông trọng điểm khác của Hà Nội là đường vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng cũng trong tình trạng chậm tiến độ. Tuyến đường này dài 1.980 m, rộng 14 m, mở rộng thành 53,5 - 57,5 m, gồm 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, vỉa hè hai bên rộng từ 6 - 8 m, giải phân cách giữa 4 m, có tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng, chạy qua hai quận Đống Đa, Thanh Xuân, được khởi công từ năm 2012, dự kiến hoàn thành năm 2016. Thế nhưng đến nay, sau 5 năm triển khai, dự án vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB) và chủ đầu tư khất tiến độ hoàn thành GPMB thay vì hoàn thành dự án vào cuối năm nay. Dự án này liên quan đến GPMB của 623 hộ dân, với diện tích gần 28.000 m2, song hiện mới GPMB được khoảng 300 hộ.

Khởi công từ năm 2013, dự án hợp phần xe buýt nhanh Hanoi BRT có mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng hứa hẹn góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông trên tuyến, nhưng đến thời điểm này, 21/21 nhà chờ xe buýt nhanh đã hoàn thành lại đang bị hoen gỉ, xuống cấp, thậm chí gây ùn tắc nghiêm trọng hơn. Lý giải tiến độ “ì ạch” này của dự án, Ban quản lý dự án Đầu tư Phát triển Giao thông đô thị Hà Nội cho biết là do thiếu vốn. Hợp phần BRT là một trong ba hợp phần của Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội vay vốn ODA của WB, xây dựng thí điểm tuyến xe buýt BRT từ Kim Mã đến bến xe Yên Nghĩa, dài 14,7 km để tăng cường năng lực vận tải hành khách công cộng trên trục giao thông quan trọng của thành phố. Tuy nhiên, do quá trình thi công phải điều chỉnh thiết kế cho phù hợp với quy hoạch chung và dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông… nên gặp rất nhiều khó khăn về mặt bằng và thời gian thi công. Chính yếu tố này đã khiến việc giải ngân vốn của WB chậm lại để chủ đầu tư giải trình.

Tình trạng chậm tiến độ ở các công trình giao thông trọng điểm thực sự là nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho biết: “Hiện nay, nhiều công trình giao thông trọng điểm của Hà Nội đang được đầu tư rất lớn, nhằm góp phần hiện đại hóa, giảm thiểu ùn tắc giao thông khu đô thị. Tuy nhiên, sự ì ạch, chậm tiến độ của các dự án đang là nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông. Chính vì thế, người dân mong muốn, chính quyền thành phố có những biện pháp quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ các dự án theo đúng tiến độ đã đề ra.

Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng

Hiện tại, cả nước có 37 công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT, với tổng mức đầu tư khoảng 1.090.000 tỉ đồng. Trong đó, đường bộ có 23 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 498.080 tỉ đồng. 12 dự án đã hoàn thành và được đưa vào khai thác sử dụng, bên cạnh việc đảm bảo tiến dộ, chất lượng công trình, các dự án mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao, như: Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, cầu Thanh Trì, vành đai 3 Hà Nội, đường Láng - Hòa Lạc, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng… thì còn rất nhiều dự án bị chậm tiến độ.

Tại phiên họp Chính phủ mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT, chỉ đạo các giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nhiều công trình chưa thực hiện tốt việc chuẩn bị đầu tư, dẫn đến phải điều chỉnh, phát sinh trong quá trình triển khai. Cùng với đó là chất lượng, năng lực của nhà thầu còn hạn chế, đặc biệt là các nhà thầu trong nước. Công tác GPMB còn gặp nhiều khó khăn, là những nguyên nhân chính dẫn đến chậm triển khai công trình, gây thất thoát lớn. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính để liên thông, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương còn nhiều hạn chế... Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố có dự án hạ tầng quốc gia cần thực sự quan tâm đến công tác GPMB, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và phải sớm tạo cơ chế mới, hấp dẫn hơn nữa để huy động nguồn lực cho đầu tư hạ tầng GTVT.

Đặc biệt, Bộ GTVT phải tăng cường quản lý và chỉ đạo các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án tiết kiệm chi phí đầu tư, lựa chọn phương án đầu tư tối ưu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, thi công hợp lý; đồng thời tăng cường kiểm soát đấu thầu, kiểm soát giá, định mức xây dựng, để hỗ trợ các địa phương GPMB, kịp thời giải quyết cơ chế, chính sách, giám sát quản lý tiến độ, chất lượng công trình.

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cũng đề nghị: Các địa phương nên chọn công tác GPMB là khâu đột phá trong xây dựng hạ tầng, để tạo ra sự khác biệt của từng địa phương. Vì quản lý GPMB không tốt, chậm tiến độ sẽ gây ra lãng phí rất lớn.

Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ Phạm Văn Khôi: 

Cần có chính sách đột phá trong GPMB Việc khó nhất trong GPMB là bố trí vốn và thỏa thuận chính sách đền bù thì từng dự án, nhà đầu tư đều đã thực hiện được. Giá cả và chính sách đền bù cũng đã được thỏa thuận tới cấp xã, huyện và đa số người dân đều mong nhận tiền đền bù sớm. Nếu không có mặt bằng sạch, việc cam kết thực hiện đúng tiến độ sẽ rất khó hoàn thành. Do đó, đối với các dự án hạ tầng, Nhà nước cần phải có một chính sách đột phá trong GPMB. Khi dự án đã được các cấp phê duyệt, thiết kế tổng thể, cắm mốc chỉ giới và cấp phép xây dựng cũng như thỏa thuận chính sách và giá cả xong với dân, thì sau khi nhà đầu tư đã nộp đầy đủ tiền đền bù thì nên giao toàn bộ mặt bằng cho nhà đầu tư theo chỉ giới đã cắm mốc. Việc chi trả đền bù chi tiết cho từng hộ dân sẽ do chính quyền địa phương thực hiện trên cơ sở quản lý đất đai của xã, của huyện và thành phố. 

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường: 

Hiện khó khăn lớn nhất đối với các công trình giao thông chậm tiến độ là vốn và GPMB. Phần lớn các dự án giao thông trọng điểm có sử dụng vốn vay, do đó việc bố trí không đủ vốn đối ứng ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ GPMB nói riêng và tiến độ chung của cả dự án. Toàn ngành GTVT hiện đang thiếu khoảng 12.000 tỉ đồng vốn đối ứng cho các dự án. Do vậy, Bộ GTVT đang kiến nghị Chính phủ cần sớm nghiên cứu một cơ chế đặc biệt để GPMB các dự án giao thông. 

Ông Trần Xuân Hà, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội: 

TP Hà Nội quyết tâm tháo gỡ “điểm nghẽn” về tiến độ của các dự án hạ tầng trên địa bàn. Theo đó, về việc đền bù GPMB, thành phố sẽ thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước, pháp luật trong quá trình vận dụng chính sách theo hướng có lợi cho những người dân dành đất cho công trình. Mặc dù việc GPMB sẽ dẫn đến xáo trộn về đời sống sinh hoạt của nhiều hộ dân, song vì mục tiêu chung phát triển Thủ đô, rất cần sự chung tay, đồng thuận của người dân, chấp hành chính sách của Nhà nước về đền bù đất, để các dự án được triển khai đúng tiến độ.


Đăng Sơn
Quản lý minh bạch các dự án BOT giao thông
Quản lý minh bạch các dự án BOT giao thông

Dư luận xã hội đang có nhiều ý kiến phản biện về hiệu quả, sự minh bạch trong quản lý nguồn vốn đầu tư, thời gian thu phí hoàn vốn, thất thoát thu phí, trách nhiệm của chủ đầu tư tại các dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) giao thông đã triển khai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN