Ông Nguyễn Quang Huy, Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Đông Dư: “Mong có gian hàng giới thiệu sản phẩm”
Hiện nay, chúng tôi có 2 loại sản phẩm được đóng gói, dán nhãn mang thương hiệu địa phương là rau gia vị và ổi. Chỉ có một lượng nhỏ sản phẩm vào được các siêu thị, còn chủ yếu vẫn phân phối thông qua các thương lái địa phương. Chúng tôi cũng muốn đưa hàng vào các chợ nhưng vì đặc thù của sản phẩm là dễ hỏng, phải ăn ngay trong khi đó công nghệ bảo quản tại các chợ còn rất hạn chế. Hơn nữa, nếu trải qua các công đoạn như sơ chế, đóng gói thì giá hàng hóa lại cao hơn mặt bằng chung tại các chợ, dẫn đến khó tiêu thụ.
Theo Ban quản lý chợ Đồng Xuân (Hà Nội), mặt hàng giày dép Việt Nam đã chiếm đến 70% tại chợ, còn lại là hàng Trung Quốc. Ảnh: Hoàng Dương |
Tôi mong muốn TP Hà Nội có chính sách hỗ trợ người dân thông qua việc tạo gian hàng giới thiệu nông sản an toàn tại các chợ. Đó sẽ là cầu nối để nông sản có thương hiệu của chúng tôi đến được tay người tiêu dùng.
Anh Lê Hoàng Thành, Công ty TNHH sản xuất thương mại Tân Quang Minh (TP Hồ Chí Minh) chuyên sản xuất các loại nước giải khát: “Doanh nghiệp phải hiểu nhu cầu khách hàng”
Để phát triển sản phẩm tại các chợ, doanh nghiệp cần xác định rõ từng nhóm đối tượng tiêu dùng, phải hiểu được nhu cầu của khách. Mỗi chợ truyền thống có một nhóm đối tượng khách hàng khác nhau nên phải tìm hiểu thật kỹ để có cách tiếp thị và phân phối sản phẩm phù hợp. Ví dụ, khi chúng tôi đưa hàng vào chợ Tam Bình (Thủ Đức), nghe tiểu thương nói sản phẩm của chúng tôi chưa được khách hàng biết nhiều, tôi đã yêu cầu đội ngũ marketing của công ty tích cực mời mọi người dùng thử, tặng thêm sản phẩm... để họ biết tới sản phẩm của mình.
Ông Võ Văn Đức Bảy, Phó giám đốc kinh doanh Công ty nhựa Chợ Lớn: “Đặt nhà phân phối tại chợ”
Hầu như tại khắp các tỉnh thành, công ty chúng tôi đều có nhà phân phối “cắm” ngay tại đầu chợ, đặt “đại bản doanh” phân phối hàng cho tiểu thương. Mỗi khi giao hàng xuống chợ, công ty đều cắt cử nhân viên phòng tiếp thị kinh doanh xuống tận nơi lắng nghe phản hồi trực tiếp của tiểu thương về sản phẩm của mình. Thậm chí, nhân viên áp tải hàng, lái xe cũng vào chợ nghe ngóng tình hình, chẳng khác gì nhân viên marketing chuyên nghiệp, từ đó có cái nhìn khách quan hơn rồi báo cáo lại cho bộ phận liên quan. Nhờ cách làm này, sản phẩm của chúng tôi được bán nhanh hơn, hiệu quả hơn trước.
Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, nguyên phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội: “Muốn hàng Việt vào chợ, tự chợ phải khắc phục sáu điểm yếu”
Tại Hà Nội, 40% hàng hóa vẫn lưu thông qua kênh chợ, do đó việc liên kết đưa hàng Việt vào chợ là rất cần thiết. Tuy nhiên hiện nay, chợ có nhiều điểm yếu so với siêu thị khiến doanh nghiệp không mặn mà đưa hàng vào, còn người có thu nhập cao cũng không muốn đến chợ. Do vậy, cần sớm khắc phục những điểm yếu này.
Thứ nhất, điều kiện bảo quản tại chợ hiện rất kém. Đồ đông lạnh, tươi sống khó giữ được lâu. Thứ hai, hạ tầng của các chợ đang xuống cấp, xập xệ. Trong khi đó, cả năm 2015, không có dự án cải tạo chợ nào được triển khai. Thứ ba, chợ không niêm yết giá, mỗi hàng bán một kiểu. Các cơ quan muốn đến mua hàng cũng ngại vì không có hóa đơn. Thứ tư, hàng lậu, hàng giả còn khá tràn lan khiến doanh nghiệp sợ mất uy tín khi đưa hàng vào đây. Thứ năm, mới chỉ có 50% ban quản lý chợ chuyển đổi thành mô hình công ty. Phần còn lại hoạt động thiếu chuyên nghiệp. Cuối cùng, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa đến hoạt động của chợ. Tôi chỉ nói đơn giản, chỉ cần một động thái là đặt chiếc cân miễn phí tại cổng chợ để bà con đi chợ kiểm tra khối lượng hàng hóa để ngăn chặn hiện tượng “cân điêu” thì người tiêu dùng cũng tin tưởng hơn khi mua hàng ở các chợ.
Ông Trần Nguyên Năm, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương): Kết nối để tiểu thương và doanh nghiệp gặp nhau
Những năm qua, hàng Việt chưa vào được chợ truyền thống là do tiểu thương và doanh nghiệp chưa gặp được nhau. Tiểu thương chưa thực sự cần còn doanh nghiệp chưa thực sự mặn mà. Chúng tôi đã có nhiều chương trình kết nối doanh nghiệp sản xuất hàng Việt với các tiểu thương nhưng kết quả chưa như mong đợi. Thời gian tới, Bộ Công Thương vẫn tiếp tục thúc đẩy đưa hàng Việt vào chợ truyền thống. Bộ sẽ có những cơ chế chính sách, hài hòa lợi ích của nhà sản xuất và các hộ tư thương. Cả nước có đến hơn 9.000 chợ nên đây là vấn đề lớn, cần xây dựng cơ chế phù hợp với thực tế.