Gần đây, các cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini xuất hiện ngày càng nhiều và trở thành một kênh bán lẻ hiện đại, được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, ngay lập tức, nó đang phải cạnh tranh không cân sức với các thương hiệu nước ngoài.
Gió đổi chiều
Hơn 10 năm trước, các cửa hàng tiện lợi đầu tiên đã xuất hiện tại Việt Nam. Đó là hệ thống cửa hàng G7 Mart của Cà phê Trung Nguyên. Tuy nhiên, thời điểm đó, hệ thống cửa hàng tiện lợi chưa thành công. Phân tích về điều này, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ, cho rằng, nguyên nhân lớn nhất là người tiêu dùng Việt Nam chưa quen với sự tiện lợi. Cụ thể, so sánh giá cả hàng hóa, họ nhận thấy, các cửa hàng tiện lợi có tiện thật nhưng về giá cả thì không những đắt hơn giá ở chợ mà còn đắt hơn cả siêu thị. “Người tiêu dùng Việt Nam không được chuẩn bị tâm lý trả tiền cho sự tiện lợi ấy”, bà Loan cho biết.
Các cửa hàng tiện lợi ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. |
Một số nguyên nhân khác như hạ tầng và vị trí chưa được đầu tư đúng mức, kinh nghiệm phục vụ chưa nhiều đã khiến chuỗi cửa hàng tiện lợi lép vế hơn hẳn so với chợ truyền thống và siêu thị.
Tuy nhiên, hiện nay, có thể nói gió đã đổi chiều. Các cửa hàng tiện lợi trở lại như một trào lưu. Người tiêu dùng đã đón nhận một cách rất hào hứng. Theo bà Nguyễn Hương Quỳnh, Giám đốc Hãng Nghiên cứu thị trường Nielsen, thị trường tiêu dùng Việt Nam đang có sự chuyển đổi thói quen mua sắm từ truyền thống sang hiện đại. Kênh mua sắm chuỗi siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi ngày càng đóng vai trò quan trọng. So với năm 2012, số lượng cửa hàng tiện ích năm 2014 đã tăng gấp đôi, từ 147 lên 348 cửa hàng; chuỗi siêu thị mini cũng tăng từ 863 lên 1.452.
Bà Nguyễn Hương Quỳnh nhận định, sở dĩ cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini có sự phát triển nhanh là bởi đáp ứng được nhu cầu của phần lớn những người tiêu dùng trẻ tuổi và có cuộc sống bận rộn. Cửa hàng tiện ích không chỉ có chủng loại hàng hóa phong phú, tốc độ dịch vụ nhanh mà còn bảo đảm vệ sinh. Thực phẩm đang là yếu tố đóng vai trò gia tăng doanh thu của kênh bán hàng này. Báo cáo của Nielsen chỉ ra rằng, có đến 22% người tiêu dùng Việt Nam thường xuyên mua thực phẩm và hàng tạp hóa tại kênh bán hàng cửa hàng tiện ích.
Mặt khác, các cửa hàng tiện lợi nằm ở các khu vực đông dân cư, chung cư, khu đô thị nên đã đáp ứng được nhu cầu mua sắm nhanh của người dân. Trong xu hướng kết nối với thế giới, người tiêu dùng Việt Nam muốn có những trải nghiệm tương tự. Do đó, trong tương lai, cơ hội phát triển của chuỗi cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini rất cao.
Sức ép từ nhà đầu tư ngoại
Tuy vậy, chuỗi cửa hàng này đang phải chịu sự cạnh tranh của hệ thống các cửa hàng tiện ích của các nhà bán lẻ ngoại. Các nhà đầu tư ngoại luôn nhạy bén với xu hướng mua sắm mới tại Việt Nam và họ đã nhanh chóng đón đầu cơ hội này. Thời gian qua, nhiều nhà bán lẻ ngoại đã đổ bộ ra thị trường Hà Nội sau khi có thời gian phát triển tại TP Hồ Chí Minh.
Circle K (Mỹ) thâm nhập vào Việt Nam từ cuối năm 2008 và hiện có hơn 100 cửa hàng trên toàn quốc. Cách đây 2 tháng, Circle K đã tiến quân ra Hà Nội với 2 cửa hàng tiện ích đầu tiên đặt tại những khu dân cư đông đúc, và đang hướng tới mục tiêu 10 cửa hàng tại đây. Trong khi đó, Guardian, chuỗi cửa hàng bán lẻ mỹ phẩm thuộc Tập đoàn Dairy Farm (Hong Kong, Trung Quốc) cũng đã khai trương 3 cửa hàng tại Hà Nội sau 3 năm hoạt động tại Việt Nam.
Theo khảo sát mới công bố của Hãng Nghiên cứu thị trường Nielsen, lượng khách mua sắm ở chợ truyền thống năm 2014 đã giảm 5% so với năm 2012 và đối với các cửa hàng tạp hóa truyền thống thì mức giảm lên tới 17%. |
Bà Nguyễn Thị Luân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, các cửa hàng tiện lợi nước ngoài nắm bắt được nhu cầu của người dân là được trải nghiệm nhiều hơn khi mua sắm. Tại các cửa hàng tiện lợi, khách hàng có thể mua từ chiếc thẻ điện thoại đến các loại đồ dùng hằng ngày. Cửa hàng có lắp đặt điều hòa, bàn ghế, nhà vệ sinh, những vật dụng mà các cửa hàng tạp hóa khác không có. Đây có thể nói là điểm mạnh so với các cửa hàng của người Việt.
Trong khi đó, nếu xét về giá, nhiều mặt hàng tại các cửa hàng tiện ích đang bán đắt hơn siêu thị, đại siêu thị từ 10 - 15%. Muốn phát triển mạnh hơn, các cửa hàng tiện lợi buộc phải có ưu thế cạnh tranh về giá. “Các cửa hàng tiện ích cần xây dựng hệ thống và kênh phân phối tốt, độ bao phủ lớn thì doanh nghiệp mới có thể đàm phán giá tốt nhất với bên cung ứng hàng hóa nhằm giảm giá bán cũng như đảm bảo sự tươi mới cho sản phẩm. Điều này vẫn đang là điểm yếu của các doanh nghiệp bán lẻ nước ta”, bà Đinh Mỹ Loan nhận định.
Theo ông Phạm Hữu Thìn, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), để một chuỗi cửa hàng tiện ích sinh lời thì phải có nhiều địa điểm. Khi số lượng cửa hàng không đủ thì họ không thể bán rẻ được.