Đây là nhận định được ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đưa ra tại hội thảo “Phân biệt hàng thật – hàng giả của các nhãn hiệu thành viên React và chiến dịch phối hợp từ biên giới tới thủ đô” do Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Tổ chức Cooperativeve Verniging SNB – React U.A (React) tổ chức sáng 22/3 tại Quảng Ninh.
Theo ông Trần Hữu Linh, hội thảo là cơ hội để các cơ quan quản lý của Việt Nam và doanh nghiệp thành viên React trao đổi, cập nhật thông tin nhận diện hàng thật - hàng giả, thảo luận và thống nhất phương thức hợp tác năm 2019. Từ đó, giúp nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyển lợi người tiêu dùng và các lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam.
Đại diện Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh cho biết, mặc dù đã đạt được kết quả tích cực trong kiểm tra, xử lý vi phạm nhưng với đặc thù địa hình biên giới trải dài cả trên bộ và trên biển, tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp.
Đáng lưu ý, hầu hết tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng nhập khẩu có điều kiện, cấm nhập khẩu như thuốc lá điếu; hàng tiêu dùng, điện thoại, máy tính bảng đã qua sử dụng, mỹ phẩm, thủy sản giống, khoáng sản, hoa quả...
Cùng đó, các đối tượng sử dụng mọi phương thức, thủ đoạn lợi dụng chế độ ưu đãi miễn kiểm tra của Hải quan, chính sách ưu đãi, miễn thuế của cư dân biên giới, thuê người theo dõi các lực lượng chức năng, vận chuyển hàng theo từng cung đoạn, sử dụng biển kiểm soát giả, cất giấu hàng vào hầm, vách ngăn, sử dụng hệ thống thủy lực ...Ngoài ra, tình trạng lợi dụng chế độ hóa đơn đối với hộ kinh doanh hợp thức hóa hàng nhập lậu vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong quá trình kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm.
Ông Chu Xuân Kiên, quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tại Hà Nội bảy tỏ, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ không chỉ được sản xuất trong nước mà còn được sản xuất ở nước ngoài. Sau đó, đưa vào trong nước tiêu thụ bằng nhiều đường khác nhau, chủ yếu qua đường tiểu ngạch, nhập lậu.
Đặc biệt là các loại hàng hóa đã được thị trường chấp nhận, hàng hóa có nhãn hiệu: quần áo, giày dép nhãn hiệu Nike, Adidas, Lacoste...; hàng thời trang: Louis Vuitton (LV), Gucci...; nước hoa, hóa mỹ phẩm Chanel, Lancome; đồ điện tử: Panasonic, Canon, Sanyo; điện thoại di động Samsung, Apple,.... được đặt làm giả từ nước ngoài rồi nhập lậu đưa vào Việt Nam tiêu thụ.
Theo thống kê, năm 2018, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã kiểm tra, xử lý được 1.535 vụ; phạt hành chính gần 14,5 tỷ đồng; xử lý hàng hóa vi phạm trị giá trên 14 tỷ đồng.
Ông Chu Xuân Kiên cũng cho biết, mới đây Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội xây dựng Kế hoạch số 04/KH-QLTTHN về triển khai đấu tranh chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2019 và xác định rõ các địa bàn khu vực trọng điểm về hàng hóa giả mạo cần tập trung xây dựng chương trình kiểm tra xử lý.
Cụ thể, tại các tuyến phố chuyên doanh thương mại bày bán các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng... như: Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bồ, Hàng Dầu, khu vực chợ Đồng Xuân, tuyến phố đi bộ (quận Hoàn Kiếm), Cầu Giấy, Xuân Thủy (quận Cầu Giấy), Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa), Bà Triệu, phố Huế (quận Hai Bà Trưng)…
Cùng đó, tại các khu vực chợ, trung tâm thương mại như các khu vực phố Nguyễn Sơn (quận Long Biên), chợ Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm), chợ sinh viên, chợ Xanh (quận Cầu Giấy), chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng), chợ Long Biên (quận Ba Đình)…
Ngoài ra, khu vực làng nghề, các điểm, cụm công nghiệp tập trung có dấu hiệu sản xuất hàng giả, hàng vi phạm sở hữu công nghiệp gồm La Phù, Minh Khai, Dương Liễu (huyện Hoài Đức), Tiền Phong (huyện Thường Tín), làng nghề Thao Nội (huyện Phú Xuyên), Đình Xuyên (huyện Gia Lâm)...
Mặt khác, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp có hàng hóa, nhãn hiệu bị xâm phạm phải nâng cao trách nhiệm của mình, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm.
Đặc biệt, thường xuyên tổ chức tập huấn, cập nhập, bổ sung các kỹ năng, dấu hiệu nhận biết phân biệt hàng thật, hàng giả cho cán bộ, công chức lực lượng Quản lý thị trường để nâng cao hơn nữa kết quả thực hiện.
Bà Trịnh Thuý Hằng, Giám đốc React Việt Nam cũng chia sẻ về những kỳ vọng và đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu quả phối hợp trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ từ biên giới đến thủ đô nhất là chia sẻ thông tin, thường xuyên phối hợp đánh giá kết quả, hạn chế trong giai đoạn phối hợp, chiến dịch cho từng mặt hàng tập trung, trọng điểm.
Hơn nữa, tăng cường phối hợp giữa lực lượng chức năng và doanh nghiệp trong tuyên truyền tới người bán hàng, người tiêu dùng tại các địa bàn chợ trung tâm, ban quản lý chợ.
Tại hội thảo, đại diện 13 doanh nghiệp thành viên React như: Michael kor, Philips, Casio,Adidas… đã giới thiệu cách thức nhận biết hàng giả - hàng giả đối với sản phẩm của doanh nghiệp. Cùng đó, đại diện các nhãn hiệu tham gia mang tới các sản phẩm thật và giả để công chức tham gia tập huấn trực quan kiểm tra, phân biệt và trao đổi kinh nghiệm. Lực lượng thực thi đã thu nhận được những thông tin rất hữu ích, thiết thực đối với công tác kiểm tra, phát hiện hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.