Tạo chuyển biến trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Năm 2019, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vi phạm an toàn thực phẩm tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó, lực lượng quản lý thị trường cần triển khai những giải pháp cụ thể để tạo chuyển biến trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đó là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban chỉ đạo 389 Quốc gia, tại buổi thăm và làm việc với Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) chiều 14/2.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tặng quà cho lực lượng QLTT. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, tới đây lực lượng quản lý thị trường phải quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, chỉ đạo của Bộ Công Thương và cấp ủy, chính quyền địa phương về kiểm tra, kiểm soát thị trường nói chung. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, để đẩy lùi hàng lậu, hàng giả, lực lượng cần nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để kịp thời đấu tranh ngăn chặn, xử lý.

Mặt khác, đẩy mạnh việc rà soát, phát hiện những bất cập trong cơ chế chính sách để kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành xem xét, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với  chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng trong đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm.

Cùng đó, đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin với các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng để công tác kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đạt hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Phó Thủ tướng yêu cầu, lực lượng quản lý thị trường khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự, biên chế để nhanh chóng ổn định tổ chức và hoạt động. Qua đó, tập trung lực lượng vào đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đặc biệt, xây dựng lực lượng quản lý thị trường trong sạch, vững mạnh, không tham nhũng, tiêu cực, kiên quyết đưa ra khỏi lực lượng những công chức, người lao động có hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, gây phiền hà khi thực thi công vụ hoặc không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Cuối cùng, lực lượng quản lý thị trường cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho tổ chức, cá nhân kinh doanh. Ngoài ra, tổ chức ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng và kiểm tra đối với những cơ sở kinh doanh đã ký cam kết và xử lý nghiêm những trường hợp đã ký cam kết nhưng vẫn vi phạm.

Tiếp thu chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, ngay sau buổi làm việc này, Bộ Công Thương và lực lượng quản lý thị trường sẽ triển khai khắc phục sớm những vấn đề tồn tại, vướng mắc; xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia giao.

Năm 2019 và thời gian tiếp theo, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các Bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng sẽ tiếp tục phát huy kết quả đạt được và sớm khắc phục những hạn chế, tồn tại để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chú thích ảnh
Tổng cục trưởng QLTT Trần Hữu Linh báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết: Năm 2018, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần bảo vệ sản xuất trong nước và quyền lợi của người tiêu dùng.

Theo thống kê, lực lượng đã kiểm tra trên 155 nghìn vụ; phát hiện, xử lý gần 92 nghìn vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 490 tỷ đồng; ước trị giá hàng tịch thu chưa bán gần 93 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích, kết quả đạt được, ông Trần Hữu Linh cũng thẳng thắn thừa nhận việc quản lý thị trường cũng còn không ít khó khăn, tồn tại cần khắc phục.

Điều này thể hiện qua sự cắt giảm về tổ chức và nhân sự ngay tại thời điểm thành lập Tổng cục khiến việc chuyển giao, sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự gặp một số khó khăn, lúng túng, gây xáo trộn về tổ chức, ảnh hưởng đến tâm lý của một bộ phận công chức, nhất là công chức lãnh đạo, quản lý ở các đơn vị sáp nhập.

Không những thế, việc kiện toàn nhân sự của Tổng cục Quản lý thị trường cũng gặp những khó khăn, vướng mắc; năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của công chức quản lý thị trường chưa đồng đều; điều kiện làm việc như trụ sở, kinh phí, trang thiết bị còn thiếu thốn, biên chế còn mỏng cũng ảnh hưởng đến hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...

Uyên Hương (TTXVN)
Quyết tâm đấu tranh chống tội phạm buôn lậu và gian lận thương mại trên biển
Quyết tâm đấu tranh chống tội phạm buôn lậu và gian lận thương mại trên biển

Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển (CSB) 1 phụ trách vùng biển từ cửa sông Bắc Luân (Quảng Ninh) đến Quảng Trị, qua 10 tỉnh với độ dài khoảng 763 km. Vùng biển này có nhiều luồng lạch, nhiều đảo, nhiều cảng lớn, nhỏ... đã tạo điều kiện cho các tỉnh ven biển phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng các đối tượng phạm pháp cũng đã lợi dụng đặc thù tự nhiên này để buôn lậu, gian lận thương mại trên biển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN