Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos ngày 26/1, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bày tỏ quyết tâm chấm dứt giảm phát và sớm đưa ra các biện pháp để có thể đưa đất nước Mặt Trời mọc ra khỏi bãi lầy thiểu phát kéo dài nhiều năm qua.
Người dân Nhật Bản mua hàng tại một siêu thị ở Tokyo. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) Masaaki Shirakawa cho rằng sẽ khó đạt được mục tiêu lạm phát 2% mà chính BoJ đã thông qua hồi đầu tuần trước (dưới sức ép của chính phủ), trừ khi Nhật Bản tiến hành các cuộc cải cách kinh tế khắc nghiệt.
Mục tiêu lạm phát 2% đòi hỏi những nỗ lực lớn của chính phủ, ngân hàng trung ương và cả khu vực tư nhân.
Trả lời phỏng vấn National Press Club, người đứng đầu BoJ dường như muốn "rút lại" mục tiêu lạm phát 2% và nói rằng ở thời điểm hiện nay, ngân hàng này sẽ cố theo đuổi mức lạm phát 1%.
Theo một số chuyên gia kinh tế, những cải cách về cơ cấu là chìa khoá để giải quyết các vấn đề của kinh tế Nhật Bản. Họ cũng tỏ ý nghi ngờ về khả năng đạt được mục tiêu lạm phát 2% của Tokyo, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ ba thế giới nhiều năm qua đã bị mắc kẹt trong thiểu phát.
Thiểu phát là hiện tượng tồi tệ đối với nền kinh tế vì nó "xúi" người tiêu dùng ngừng chi tiêu vì cho rằng sản phẩm mà họ định mua sẽ còn rẻ hơn trong tương lai. Theo thống kê chính thức, giá tiêu dùng (trừ giá thực phẩm tươi) năm 2012 giảm 0,1%, ghi dấu năm giảm thứ tư liên tiếp trong tỷ lệ lạm phát cơ bản của Nhật Bản.
Khi được hỏi về những ý kiến chỉ trích rằng chính quyền đã gây sức ép buộc BoJ mạnh tay nới lỏng tiền tệ, ông Abe nói rằng BoJ được bảo đảm độc lập mặc dù chính phủ và BoJ có thể có chung các chính sách.
Cũng tại WEF ở Davos, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bày tỏ lo ngại về chính sách hối đoái của Nhật Bản. Trước đó, hai quan chức trong ngành tài chính của Đức đã chỉ trích việc BoJ nới lỏng tiền tệ để làm yếu đồng yên dưới sức ép của Tokyo.
Trong một diễn biến có liên quan, trong dự toán ngân sách năm 2013, Chính phủ Nhật Bản xác định phương hướng cắt giảm 200 tỷ yên tiền thuế phân bổ cho các địa phương, so với tổng số 16.600 tỷ yên dự toán ban đầu của tài khoá 2012. Việc cắt giảm tiền phân bổ từ thuế này được tiến hành trong 3 năm liên tục mà nhân tố tác động chính là việc cắt giảm lương của công chức địa phương.
Quyết định này của chính quyền trung ương có thể sẽ vấp phải sự phản đối từ phía các địa phương. Tuy nhiên, đây là một trong những biện pháp mạnh mẽ mà Tokyo muốn tiến hành nhằm giảm bớt gánh nặng ngân sách của chính phủ.
Thuế phân bổ cho địa phương là cơ chế mà ở đó nhà nước phân phối tỷ lệ nhất định trong thuế quốc gia, như loại thuế đánh vào các doanh nghiệp hoặc pháp nhân, cho địa phương nhằm tạo ra nguồn tài chính độc lập cho các địa phương.
Hương Giang