Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, theo thông tin từ các nhà nhập khẩu, mới đây Nhật Bản đã bỏ quy định kiểm tra Trifluralin, một hoạt chất diệt cỏ sử dụng trong cải tạo môi trường nuôi thủy sản đối với 100% lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường này.Chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh: Trần Việt-TTXVN. |
Sau khi Nhật Bản chính thức tăng cường kiểm soát Trifluralin đối với 100% tôm nhập khẩu từ Việt Nam từ ngày 21/10/2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kịp thời ban hành thông tư số 64/2010/TT-BNNPTNT đưa 44 sản phẩm có chứa Trifluralin ra khỏi danh mục sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, cùng với sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam trong quá trình kiểm soát đầu vào đối với Trifluralin, sự chỉ đạo sát sao của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giúp tôm Việt Nam lấy lại được uy tín về chất lượng và có được kết quả là quyết định bỏ kiểm tra Trifluralin tại thị trường Nhật Bản.
Các chuyên gia ngành thủy sản đánh giá, quyết định này của Nhật Bản là sự khẳng định đường hướng đúng đắn trong việc kiểm soát chất lượng thủy sản ngay từ khâu nuôi. Đây cũng là minh chứng cho cách tiếp cận hiệu quả là kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi từ vùng nuôi tới sản phẩm cuối cùng như Thái Lan hiện đang áp dụng trong sản xuất và quản lý an toàn thực phẩm của nước này và là cách hoàn toàn phù hợp với điều kiện sản xuất của Việt Nam hiện nay.
Để đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nhật Bản, ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản khuyến cáo các địa phương cần tập trung vào công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm hiệu quả, giảm chi phí giá thành; đồng thời, phổ biến rộng rãi những phương pháp nuôi tôm đảm bảo tiêu chuẩn dư lượng hóa chất Ethoxyquin... nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần phối hợp hài hòa, linh hoạt chiến lược kinh doanh để giữ vững thị trường truyền thống, đẩy mạnh khai thác những thị trường mới phù hợp với lợi thế của tôm Việt Nam như về yêu cầu chất lượng, năng lực chế biến; tăng khả năng đáp ứng, hoàn thành các đơn hàng lớn trong thời gian ngắn...
Tính đến hết tháng 4/2013, Nhật Bản vẫn là thị trường nhập khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam với giá trị đạt trên 168 triệu USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2012.
Thúy Hiền