Nhập vàng chính ngạch để chống buôn lậu

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa qua đã cho một số doanh nghiệp (DN) nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang. Tuy nhiên, NHNN sẽ vẫn kiểm soát chặt chẽ điều kiện cho nhập vàng để hạn chế việc DN sử dụng vàng sai mục đích và gây rủi ro về giá vàng.


Nhu cầu vàng nguyên liệu không nhiều


Theo ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN), gần đây NHNN đã nhận được 3 đơn đề nghị xin cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu của các DN sản xuất vàng nữ trang lớn trong nước. Đến thời điểm này đã có 2 DN được NHNN cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang là Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) và Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Agribank TP Hồ Chí Minh. 


Trước những thông tin lo ngại về vàng nguyên liệu được nhập lậu qua biên giới, một chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh vàng cho rằng, do thị trường có nhu cầu về vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang nên NHNN phải tính đến việc cho nhập chính ngạch để ngăn ngừa vàng nhập lậu.


Thị trường đang có nhu cầu vàng nguyên liệu để sản xuất nữ trang.
Thế Anh - TTXVN


Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Thanh Trúc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty vàng Agribank Việt Nam cho rằng, hiện nay dư luận đồn đoán nhập lậu vàng nguyên liệu cũng chưa rõ ràng. Bởi khi vàng nguyên liệu đã nhập lậu về trót lọt đem bán cho các tổ chức, cá nhân sản xuất vàng trang sức thì không có bất cứ chứng cứ gì nói là số vàng đó nhập lậu. Và để kiểm soát việc nhập lậu này thì không ai khác chính là cơ quan hải quan, quản lý thị trường, an ninh.


Theo NHNN, đến nay cũng chưa có thống kê cụ thể nhu cầu vàng nguyên liệu cần nhiều hay ít, bởi trước khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực thì nhu cầu vàng trang sức thuộc quản lý của Bộ Công Thương và mỗi khi có nhu cầu về nguồn vàng các DN thường xin nhập khẩu vàng (xin theo quota) nhằm “một công hai việc”: một là DN bán vàng ra phục vụ nhu cầu thị trường; hai là dùng làm nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ. Một cán bộ lâu năm công tác trong lĩnh vực ngoại hối cho rằng, các sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ của Việt Nam chủ yếu là nhẫn và dây chuyền trọng lượng chỉ mấy chỉ, thậm chí có cả những loại nhẫn, hoa tai chỉ mấy phân, trong khi xuất khẩu vàng trang sức còn yếu (bình quân mỗi năm chưa đến 500 triệu USD, con số này của nhiều nước trong khu vực đã đến vài tỷ USD), nên nhu cầu không quá lớn về nguyên liệu. Trên thực tế, nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức không chỉ có duy nhất nguồn nhập khẩu mà còn có nguồn là vàng tái chế từ vàng trang sức mỹ nghệ đã hết mốt được người dân bán ra và từ khai thác vàng trong nước (dù nguồn này không nhiều).


Kiểm soát nhập khẩu chặt chẽ


Việc cho DN nào nhập vàng nguyên liệu sẽ được “chiểu” theo điều 3, mục 2, Thông tư 16/2012/TT-NHNN quy định điều kiện cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu đối với DN hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Thứ nhất, DN phải có giấy chứng nhận đăng ký DN có đăng ký hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Thứ hai, DN phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ do NHNN cấp. Thứ ba, DN phải có nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ phù hợp với kế hoạch sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Cuối cùng, DN phải không vi phạm quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng trong thời hạn 12 tháng liền kề trước thời điểm đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu.

“Sắp tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành Thông tư mới sửa đổi Thông tư 33/2011/TT-NHNN theo hướng cho phép các doanh nghiệp được phép vay vốn mua vàng nguyên liệu sản xuất vàng nữ trang”. Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối


DN đáp ứng đủ điều kiện trên, nộp hồ sơ cho chi nhánh NHNN trực thuộc và NHNN thẩm định DN có đủ khả năng, năng lực, sản xuất, nhu cầu về nguyên liệu vàng trang sức không thì mới cấp phép. Theo ông Nguyễn Quang Huy, việc cho nhập vàng sẽ có tác động tích cực đến thị trường vàng khi đáp ứng cho nhu cầu sản xuất vàng nữ trang trong nước, hạn chế tình trạng vàng lậu. Việc cho nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất nữ trang cũng không tác động nhiều tới sự ổn định kinh tế vĩ mô. Bởi NHNN cho biết, nhập vàng nguyên liệu sẽ cấp phép theo hạn mức, sau đó cho nhập vàng nguyên liệu về dần. Chẳng hạn, 1 DN được NHNN cấp phép hạn mức cho nhập khẩu về 1 tấn vàng, nhưng chỉ cho DN nhập theo từng lô một vài chục kg và cao nhất đến 100 kg để tránh rủi ro về giá vàng.



Đức Kiên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN