Lợi nhuận bình quân mà mô hình này mang lại khoảng 100 triệu/ha/năm. Trong điều kiện giá tôm sụt giảm sâu, sò huyết trở thành vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân có cuộc sống khá giả. Ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương cũng đang khuyến khích nông dân nhân rộng mô hình ở những nơi có đủ điều kiện, theo hướng đa dạng các loài thủy sản trên cùng diện tích.
Mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm được áp dụng tại hầu hết các địa phương ven biển của tỉnh Bạc Liêu, nhưng phát triển mạnh nhất ở huyện Đông Hải; trong đó, tập trung ở các xã: An Phúc, Định Thành, An Trạch A và Long Điền Tây. Ở những nơi này, có điều kiện tự nhiên về nguồn nước, lượng phù sa rất thích hợp cho quá trình sinh trưởng và phát triển của sò huyết. Sò huyết được nuôi ở đây thường to, thịt ngọt và béo.
Anh Trịnh Út Nhỏ, ở ấp Long Phú, xã An Phúc, huyện Đông Hải cho biết, năm 2023 là năm thứ ba gia đình áp dụng mô hình nuôi sò huyết kết hợp với nuôi tôm theo hình thức quảng canh. Theo anh Út Nhỏ, sò huyết nuôi không khó, chỉ cần dùng lưới mành bao xung quanh vài trăm đến 1.000 m rồi mua giống về thả nuôi. Do nguồn nước trong vuông tôm có nhiều phù sa nên sò lớn nhanh, từ 6 - 9 tháng là đã có thể thu hoạch bán với kích cỡ từ 70 đến 100 con/kg. Vụ nuôi vừa rồi, anh Út Nhỏ thả 100 kg giống, với số tiền 20 triệu đồng, cuối năm thu được gần 150 triệu đồng.
Liền kề với vuông của anh Trịnh Út Nhỏ là vuông nuôi sò huyết của ông Hồ Văn Chiến. Ông Chiến cho biết, mặc dù xã An Phúc có môi trường nuôi thuận lợi, sò mau lớn và đạt đầu con. Tuy nhiên, để nuôi sò huyết thành công, người nuôi cần quan tâm nguồn con giống. Nếu mua được sò giống đã thuần ở địa phương hoặc con giống ở một số huyện lân cận có môi trường nước phù hợp thì khả năng nuôi thành công là rất cao. Ngược lại, nếu mua nhằm con giống ở một số tỉnh xa vận chuyển về địa phương, tỷ lệ thành công rất thấp, thường sau khoảng 40 ngày thả nuôi, sò sẽ chết đồng loạt. Nhờ vào kinh nghiệm này, ông Hồ Văn Chiến không chỉ thành công trong nhiều vụ nuôi thu nhập hàng trăm triệu đồng mà còn thuần và cung cấp giống chất lượng cho các hộ dân trong vùng có nhu cầu.
Ông Dương Quốc Toàn, Chủ tịch UBND xã An Phúc cho biết, so với nuôi tôm hay cua thì nuôi sò huyết "khỏe" hơn nhiều, vì tôm, cua phải cho ăn, còn sò thì không cần. Nuôi sò chỉ phải thay nước thường xuyên để lấy phù sa vào làm thức ăn nhưng hiệu mang lại kinh tế rất cao.
“Trước đây, người dân xã An Phúc chỉ quan tâm nuôi tôm và cua, thu nhập đạt khoảng 70 - 80 triệu đồng, nhưng từ khi kết hợp nuôi thêm sò huyết, thu nhập của nông dân tăng lên 160 - 170 triệu đồng/ha/năm. Cá biệt, có những hộ thu mấy trăm triệu/năm nhờ trúng sò huyết”, ông Toàn chia sẻ.
Mặt khác, sò huyết có thể nuôi thời gian dài trong vuông tôm, không cần phải thu hoạch đúng vụ như nuôi tôm. Do vậy, nếu như gặp thời điểm giá sò huyết sụt giảm, người nuôi hoàn toàn có thể giữ lại chờ giá tăng rồi bán, khi đó sò tăng kích cỡ giá bán vì thế cũng cao hơn.
Ông Nguyễn Quốc Nam, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đông Hải cho biết, mô hình nuôi sò huyết ban đầu được người dân làm tự phát. Nhưng sau đó, nhân thấy hiệu quả của mô hình này, Hội Nông dân huyện phối hợp ngành nông nghiệp tổ chức các tập huấn chuyển giao kỹ thuật để bà con nuôi bài bản hơn nên hiệu quả cũng vì vậy cũng tăng lên, nhất là đạt về sản lượng.
Theo ông Nguyễn Quốc Nam, diện tích nuôi sò huyết trên địa bàn huyện Đông Hải từ vài chục héc ta ban đầu đã phát triển lên đến hàng trăm héc ta (tăng gấp nhiều 7- 8 lần so với 3 năm trước).
So với các loài thủy sản khác, nuôi sò huyết chỉ tốn tiền đầu tư lưới mành bao quanh và đầu tư con giống. Còn lại, không phải tốn chi phí thức ăn vì thức ăn của sò huyết chủ yếu là mùn bã hữu cơ, thực vật phù du và vi sinh vật. Hội Nông dân huyện Đông Hải đang đầu dự án nuôi sò huyết trong vuông tôm ở ấp Lung Chim, xã Định Thành cho 10 hộ vay vốn với số tiền 300 triệu đồng. Đến nay, các hộ tham gia mô hình đã tiến hành thả nuôi 2 vụ sò huyết, sau khi thu hoạch, trừ các khoản chi phí mỗi hộ lợi nhuận từ 70 - 80 triệu đồng/vụ.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm đang mang lại hiệu quả tích cực, phù hợp với chủ trương của ngành về đa dạng các loài thủy sản trên cùng diện tích. Tuy vậy, việc nhân rộng, phát triển mô hình nuôi sò huyết cũng có những khó khăn nhất định; trong đó, trở ngại nhất là về con giống, do chủ yếu được nhập ngoại tỉnh, chất lượng đôi lúc chưa được đảm bảo, tỷ lệ sống thấp, giá thành cao…
Để từng bước khắc phục tình trạng này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu sẽ tổ chức học tập mô hình ươm giống sò huyết ngoài tỉnh. Cùng với đó, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực này đến chuyển giao kỹ thuật nhân giống sò huyết tại địa phương. Tỉnh Bạc Liêu sẽ hình thành chuỗi hợp tác liên kết trong nuôi sò huyết thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm tạo thuận lợi trong việc đầu tư vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định hơn giúp nông dân nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.