Nông dân Bến Tre thu nhập cao nhờ nuôi sò huyết

Chỉ cần đầu tư mua con giống, không cần tốn chi phí thức ăn hay thuốc chữa bệnh và cùng với đó giá thu mua thị trường luôn ở mức cao đã giúp cho các hộ dân nuôi sò huyết ở Bến Tre có được thu nhập ổn định, kinh tế phát triển.

Vụ mùa năm nay, ông Nguyễn Thanh Tùng, xã Thừa Đức, huyện Bình Đại (Bến Tre) đầu tư hơn 1 tỷ đồng (hơn 7 triệu con giống) để mua sò giống thả trên 1,2 ha đất nuôi sò của gia đình. Ông Tùng cho hay, các năm qua giá sò huyết luôn ở mức cao, từ 90.000-120.000 đồng/kg (loại 120 con/kg) và luôn giữ mức ổn định nên người nuôi sò huyết có lợi nhuận lớn. Dịp Tết vừa qua ông Tùng thu được 18 tấn sò huyết thịt, với giá 115.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí lợi nhuận thu được hơn 800 triệu đồng.

Từ 2.000m2 đất của gia đình ông Tùng cho thả nuôi, đến nay ông Tùng thuê thêm hơn 1 ha, để thả nuôi loại nhuyễn thể này. "Sò huyết dễ nuôi, khó nhất là nguồn giống hiện nay khan hiếm do chưa cho sinh sản nhân tạo được, nguồn sò giống phụ thuộc vào tự nhiên", ông Tùng chia sẻ.

Theo ông Trần Văn Tâm, xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, tận dụng các bãi bùn của kênh rạch, người dân thả nuôi sò huyết, sò huyết sinh trưởng ổn định ở những vùng cửa sông, sống trong môi trường bùn cát (bùn 70%, cát 30%) với độ mặn thấp hơn so với nghêu. Từ khi thả nuôi cho đến khi thu hoạch không tốn nhiều công chăm sóc và đặc biệt không tốn chi phí thức ăn do loài này tự kiếm thức ăn trong tự nhiên.

Tuy nhiên do hiện nay nguồn nước kênh bị ô nhiễm, người dân thử nghiệm nuôi trong các ao nuôi cá, tôm quảng canh (nuôi theo hình thức bán tự nhiên) đạt hiệu quả cao. Ông Tâm cho hay, ông thả nuôi 3.000m2 ao nuôi quảng canh cho năng suất tương đương ngoài các bãi bồi, mỗi năm ông Tâm thu về 250-300 triệu đồng. Do đó hiện ông Tâm thả nuôi trong các ao quảng canh để chủ động được nguồn nước giúp sò ít hao hụt, mang lại hiệu quả hơn.

Theo ông Châu Hữu Trị, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre, tận dụng diện tích mặt nước vùng của sông, bãi bồi để gia tăng hiệu quả kinh tế, thời gian qua người dân tổ chức nuôi sò huyết mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Sò huyết tại Bến Tre chủ yếu được nuôi theo quy mô hộ gia đình. Nguồn giống chủ yếu đánh bắt ngoài tự nhiên, được mua ở các tỉnh khu vực phía Nam (Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre). Hiện nay toàn tỉnh Bến tre có hơn 800 ha nuôi sò huyết, đứng thứ 4 diện tích nuôi trên cả nước.

Ông Châu Hữu Trị chia sẻ, nghề nuôi sò huyết có nhiều triển vọng trong tương lai. Tuy nhiên cần có sự quy hoạch cụ thể hợp lý, thích ứng biến đổi khí hậu; giải quyết triệt để vấn đề tranh chấp các đối tượng nuôi. Hiện Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre đang hoàn thiện quy trình nuôi từ ngoài bãi bồi cho đến nuôi trong ao quảng canh để hỗ trợ người dân.

Cùng với đó, hoàn thiện công nghệ sản xuất giống ươm nuôi sò huyết giống để đưa cung cấp cho thị trường nuôi thương phẩm. Bên canh đó, hướng người nuôi tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã để có sự kết nối với thị trường tạo đầu ra bền vững cho người nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế bền vũng từ nuôi sò huyết trong thời gian tới.

Huỳnh Phúc Hậu (TTXVN)
Tiền Giang: Dự kiến đưa 14.700 ha mặt nước vào nuôi thủy sản
Tiền Giang: Dự kiến đưa 14.700 ha mặt nước vào nuôi thủy sản

Năm nay, tỉnh Tiền Giang dự kiến đưa 14.700 ha mặt nước vào nuôi thủy sản, phấn đấu đạt sản lượng nuôi và khai thác trên 364.000 tấn thủy sản các loại phục vụ tiêu dùng, chế biến xuất khẩu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN