Nhân rộng cánh đồng mẫu lớn: Hiệu quả bước đầu

Theo thông tin tại Hội nghị cánh đồng mẫu lớn do Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức hôm qua (18/7), việc sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn đang ngày càng mở rộng. Đây được xem là hướng đi tất yếu góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp nước ta trong thời gian tới.


Với bước khởi đầu còn nhiều khó khăn nhưng sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn đã cho thấy nhiều ưu việt và hiệu quả thiết thực đối với người trồng lúa.

 

Chi phí giảm, lợi nhuận tăng


Ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang cho biết: Nhằm kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tỉnh đã đưa chủ trương liên kết 4 nhà từ năm 2000. Đến nay, tỉnh đã có một số mô hình liên kết điển hình. Mô hình này được mở rộng dần. Năm nay đạt trên 8.000 ha. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia.


Thu hoạch lúa tại xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương – TTXVN

 

Mới nhất, để thực hiện chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu lớn, Sở đã phối hợp với Sở Công Thương tỉnh thực hiện mô hình cánh đồng mẫu ở xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành với 26 nông dân tham gia, quy mô 75 ha trong vụ hè thu 2011. Khu vực này nằm trong địa bàn triển khai mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ theo hợp đồng với Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, ruộng nông dân liền kề nhau, hệ thống mương thủy lợi giao thông nội đồng tương đối hoàn chỉnh. Nông dân được hỗ trợ 30% chi phí giống lúa cấp xác nhận, tập huấn kỹ thuật “một phải năm giảm”, sổ tay VietGAP, quản lý tổ nhóm và an toàn lao động, thành lập tổ hợp tác nông dân. Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang cung ứng giống, thuốc và thu mua lúa của nông dân.


Kết quả, giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị chất lượng sản phẩm. Nông dân sản xuất theo mô hình này, mỗi ha sản xuất giảm được 722.000 đồng và năng suất cao hơn 0,4 tấn so với nông dân ngoài mô hình. Nông dân được nâng cao năng lực về kỹ thuật canh tác, quản lý. Môi trường nông thôn được cải thiện rõ rệt. Sắp tới, mô hình này sẽ được mở rộng thành 1.500 ha của xã Vĩnh Hanh.


Theo Cục Trồng trọt, qua đánh giá hiệu quả kinh tế trong mô hình cánh đồng mẫu lớn ở một số địa phương cho thấy lợi nhuận thu được từ mô hình cao hơn so với ngoài mô hình từ 2,2 - 7,5 triệu đồng/ha. Đó là nhờ việc áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật đã làm tăng năng suất, đồng thời giảm chi phí sản xuất như lượng giống, số lần phun thuốc trừ sâu bệnh…

 

Xu thế tất yếu


Theo ông Phạm Đồng Quảng, phong trào xây dựng cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất và tiêu thụ lúa trước hết ở các tỉnh Nam bộ được phát động năm 2003. Sau một thời gian, Bộ NN&PTNT đã quyết định mở rộng ra cả nước, coi việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ theo mô hình cánh đồng mẫu lớn là giải pháp lâu dài để tái cơ cấu ngành nông nghiệp.


Theo Cục Trồng trọt, trong quá trình xây dựng cánh đồng mẫu lớn, các bên tham gia đều thụ hưởng lợi ích một cách cao nhất. Trong đó, nông dân được hưởng lợi từ các dịch vụ phục vụ sản xuất, chất lượng vật tư nông nghiệp và giá trị tăng thêm cho lúa. Cánh đồng mẫu lớn áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, từng bước được dịch vụ hóa tất cả các khâu: từ giống, làm đất, chăm sóc, quản lý nước đến thu hoạch, bảo quản, chế biến, tồn trữ… góp phần tăng năng suất, chất lượng và giá trị hạt gạo, tăng tính cạnh tranh và lợi nhuận.


Hiện nay, cả nước có 54.000 ha đã triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Có 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tích cực tham gia. Các tỉnh phía bắc làm chậm hơn nhưng các địa phương đang hưởng ứng tích cực. Vụ đông xuân 2011- 2012, có 6 tỉnh đã triển khai. Rất nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng đề án, kế hoạch. Nhiều tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ riêng.


Lãnh đạo Cục Trồng trọt khẳng định, mô hình cánh đồng mẫu lớn tuy mới triển khai nhưng là xu thế tất yếu của sản xuất nông nghiệp hiện nay, là phương thức tổ chức sản xuất - tiêu thụ bền vững, góp phần khắc phục khó khăn lớn nhất hiện nay là tiêu thụ sản phẩm nông sản.

 

Ông Vũ Trọng Bình, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn: Phải làm quy hoạch nông nghiệp ổn định lâu dài

Muốn làm cánh đồng mẫu lớn phải làm quy hoạch nông nghiệp ổn định lâu dài 50- 100 năm. Phải có cơ chế rõ ràng để quản lý về đất đai, phải làm hết sức minh bạch, tách bạch đất nông nghiệp với đất đô thị, từ đó kéo đầu tư vào nông nghiệp. Phải quy hoạch cả nhà máy chế biến; đầu tư KHCN và hạ tầng; quy hoạch phải đồng bộ để tạo lợi thế so sánh thực sự. Bên cạnh đó, phải xác định những thương hiệu nông sản chính để Nhà nước hỗ trợ, kéo nền nông nghiệp của Việt Nam đi lên.

 

Ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT: Cần hỗ trợ để nông dân có được thế làm chủ

Cần lan tỏa, mở rộng hình thức tổ chức sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở KHCN và tổ chức tiêu thụ bền vững cho nông dân và không chỉ ở lĩnh vực trồng lúa. Cần nghiên cứu chính sách để thúc đẩy mô hình cánh đồng mẫu lớn. Cần khuyến khích, hỗ trợ dồn điền đổi thửa để có cánh đồng lớn. Bà con nông dân cần chủ động xây dựng tổ hợp tác để cùng nhau làm chủ cánh đồng, làm chủ sản xuất với sự hỗ trợ của doanh nghiệp, nhà khoa học và sự điều tiết của Nhà nước.

 

Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN