Theo ông Tô Hoài Dân, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý, chủ đầu tư Dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu, dự án được khởi công xây dựng ngày 9/9/2010 với tổng công suất là 99,2 MW, bao gồm 62 trụ tuabine gió, mỗi trụ tuabine có công suất 1,6 MW. Tổng mức đầu tư của toàn dự án là hơn 5.200 tỷ đồng.
Ngày 29/5/2013, giai đoạn 1 của Nhà máy điện gió Bạc Liêu với 10 trụ tuabine với công suất 16 MW chính thức đưa vào vận hành thương mại phát điện hòa lưới quốc gia. Đây là dấu mốc quan trọng bởi lần đầu tiên trong lịch sử, tỉnh Bạc Liêu đóng góp cho quốc gia bằng nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Đến tháng 11/2013, Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý khởi công xây dựng giai đoạn 2, với 52 trụ tuabine. Hơn 3 năm sau, ngày 30/9/2016, Công ty đã xây dựng hoàn thành giai đoạn 2, nâng tổng số lên 62 trụ tuabin gió.
Tính từ thời điểm bắt đầu phát điện lên lưới quốc gia tháng 6/2013 đến ngày 3/3/2020, Nhà máy điện gió Bạc Liêu đã phát lên lưới quốc gia đạt sản lượng 1 tỷ Kwh điện.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Dương Thành Trung khẳng định, Nhà máy điện gió Bạc Liêu là điểm đột phá, mở ra cho các dự án điện gió trên biển của cả nước nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng.
Chủ tịch UBND tỉnh Dương Thành Trung cũng cho biết hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang có 4 dự án điện gió được triển khai thi công, với tổng công suất 292 MW, dự kiến hoàn thành đóng điện trước tháng 11/2021; trong đó, có 2 dự án hoàn thành trong năm 2020. Đồng thời, Bạc Liêu đã kêu gọi được thêm 19 dự án năng lượng sạch khác đến đầu tư, với tổng công suất hơn 4.000 MW, hiện đang chờ bổ sung vào quy hoạch.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh, trong lĩnh vực nhiệt điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đã có gần 50.000 MW được các nhà đầu tư đề xuất, tuy nhiên Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Trung tâm Bạc Liêu với công suất 3.000 MW vào Quy hoạch điện VII. Như vậy, Bạc Liêu là địa phương tiên phong đi đầu trong lĩnh vực năng lượng sạch.
Đây là một xu hướng đầu tư hiệu quả của các nhà đầu tư lớn. Khi các dự án trên hoàn thành đưa vào vận hành, nhất là Dự án Nhiệt điện khí LNG, sẽ là động lực quan trọng, là khâu đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng thu ngân sách, tạo sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh trong tương lai.