Theo đó, nội dung sự chênh lệch về mức thu bình quân ngày của 10 ngày (từ ngày 16/12/2016-26/12/2016) do đoàn kiểm tra, giám sát của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đưa ra tăng 8,3% so với mức thu bình quân ngày của 6 tháng trước đó. Điều này được Công ty cổ phần Đầu tư BOT Hà Nội – Bắc Giang giải trình đó là doanh thu vé lượt qua trạm có biên độ tăng giảm qua từng thời kỳ; có xu hướng tăng dần vào thời điểm bắt đầu mùa khô, giáp Tết Dương lịch và Tết Âm lịch, thể hiện rõ rệt tính thời vụ do nhu cầu đi lại, thông thương tăng cao vào dịp cuối năm. Doanh thu vé lượt trung bình của 3 tháng là tháng 11 và 12/2016 và tháng 1/2017 có xu hướng tăng dần.
Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang. Ảnh: Tùng Lâm/TTXVN |
Cụ thể, tăng trưởng doanh thu của tháng trước và tháng sau khi đoàn kiểm tra của Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện công tác giám sát như sau: doanh thu vé lượt tháng 11/2016 tăng 3,63% so với doanh thu bình quân từ tháng 6 - 11/2016. Doanh thu vé lượt tháng 12/2016 tăng 7,13% so với doanh thu bình quân từ tháng 6/2016 đến tháng 11/2016. Doanh thu vé lượt tháng 1/2017 tăng 8,37% so với doanh thu bình quân từ tháng 6/2016 đến tháng 11/2016.
Về vấn đề khắc phục tình trạng để nhân viên phải mở cưỡng bức khi không nhận diện được vé; phần mềm tại các máy tính làn thu phí bị treo; việc truyền dữ liệu từ máy tính tại nhà điều hành đến các máy tính tại cổng trạm bị trễ; vòng từ nhận dạng không đúng xe để hệ thống ghi xe vượt trạm… Công ty cổ phần Đầu tư BOT Hà Nội – Bắc Giang khẳng định, các tồn tại đoàn kiểm tra của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã nêu trong quá trình giám sát hoạt động thu phí hoàn toàn không ảnh hưởng đến tính minh bạch, chính xác của doanh thu trong quá trình thu phí.
Nguyên nhân để xảy ra hiện tượng trên là do xe máy đi chung làn với ô tô và một số xe container có chiều dài xe lớn, gầm cao, một số xe lưu hành chưa đúng với đăng kiểm, đeo biển số giả khi qua trạm…gây khó khăn cho việc nhận dạng xe theo đúng thiết kế chuẩn và một số xe chưa tuân thủ quy định của Luật Giao thông khi lưu thông qua trạm thu phí (như không đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 2 xe, chưa dừng ngang ca bin khi qua trạm..).
Để khắc phục các vấn đề trên, Công ty cổ phần Đầu tư BOT Hà Nội – Bắc Giang cho biết đã phối hợp với các lực lượng chức năng để phối hợp tuyên truyền xử lý. Các lỗi khác tại hệ thống thu phí (vòng từ, lỗi thiết bị, truyền dữ liệu…) Công ty cổ phần Đầu tư BOT Hà Nội – Bắc Giang đã làm việc với nhà cung cấp, đơn vị cam kết khắc phục xong trước ngày 25/2/2017. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị đánh giá lại toàn bộ hệ thống để giảm thiểu tối đa các lỗi xảy ra trong quá trình thu phí.
Về nội dung của đoàn giám sát của Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu về tăng dung lượng ổ cứng để đảm bảo việc lưu dữ video giám sát làn với thời gian tối thiểu 1 năm, Công ty cổ phần Đầu tư BOT Hà Nội – Bắc Giang khẳng định đã hoàn thành việc tăng dung lượng ổ cứng giám sát làn theo yêu cầu.
Trao đổi với ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, sau khi có giải trình của nhà đầu tư Tổng cục mới có đánh giá chính thức về kết quả kiểm tra, giám sát Trạm thu phí Km 152+080 Quốc lộ 1 do Công ty cổ phần Đầu tư BOT Hà Nội – Bắc Giang quản lý và khai thác.
Về nội dung liên quan đến các vấn đề mà đoàn kiểm tra của Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ ra, đặc biệt là các lỗi về phần mềm, máy móc và thiết bị của trạm thu phí, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, các lỗi này chưa đến mức độ ảnh hưởng đến kết quả thu phí nên Tổng cục Đường bộ Việt Nam chưa cho dừng thu phí. Nếu các lỗi này ảnh hưởng đến kết quả thu phí thì Tổng cục Đường bộ sẽ cho dừng thu phí ngay để khắc phục. Mặt khác, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã yêu cầu nhà đầu tư phải khắc phục, hoàn thiện ngay vấn đề này.
Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có báo cáo Bộ Giao thông Vận tải việc kiểm tra, giám sát công tác thu phí đối với trạm thu phí Km152+080 Quốc lộ 1 thuộc dự án cải tạo, nâng cấp Quộc lộ 1 đoạn Hà Nội – Bắc Giang theo hình thức hợp đồng BOT (Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao) do Công ty Cổ phần Đầu tư BOT Hà Nội – Bắc Giang quản lý và khai thác.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, việc kiểm tra, giám sát được thực hiện liên tục trong 10 ngày, từ 13 giờ 30 phút ngày 16/12/2016 đến 13 giờ 30 phút ngày 26/12/2016. Kết quả, sau 10 ngày, số thu phí sử dụng đường bộ đối với vé lượt trong thời gian giám sát là 10,99 tỷ đồng, bình quân 1,099 tỷ đồng/ngày, tăng 8,27% (tương đương 84 triệu đồng) so với mức bình quân ngày của 6 tháng trước đó (1,015 tỷ đồng).
Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang được thực hiện theo hình thức BOT. Nhà đầu tư của dự án là liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương – Tổng công ty Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam - Công ty Cổ phần Đầu tư và thương mại 319 (VANPHU INVEST - OGC - VCG - 319 INVEST).