Nguy cơ hoang phế nhiều dự án bất động sản

TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 900 dự án bất động sản đang trong tình trạng xây dựng dở dang do thiếu vốn. Nhiều chủ dự án bất động sản(BĐS) cho biết, dù họ “gõ cửa” tìm vốn nhiều nơi, nhưng tất cả các “cánh cửa” đều hẹp. Vì thế, nhiều dự án có nguy cơ trở thành những công trình hoang phế.


“Mắc cạn” dự án


Dự án Căn hộ Green House (phường Linh Tây, quận Thủ Đức) do CTCP Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVL) làm chủ đầu tư được khởi công xây dựng từ giữa năm 2010. Sau khi xây dựng xong phần móng và chính thức công bố bán từ đầu năm 2011 thì dự án dừng thi công. Kế bên, dự án Căn hộ Phát Tài do Công ty Tân Hải Minh làm chủ đầu tư còn thê thảm hơn. Giữa năm 2011, sau khi vừa xây dựng xong phần móng, dự án này công bố chào bán, nhưng kế hoạch bán hàng không thành. Từ đó, tiến độ triển khai dự án ngưng hoàn toàn.

 

Dự án Petroland Mark đang “mắc cạn” dù khách đã đóng từ 60 - 90% giá trị căn hộ.


Tương tự, dự án Petroland Mark (quận 2) do Công ty cổ phần Bất động sản xây lắp Dầu khí (PVC Land) làm chủ đầu tư cũng đang “mắc cạn” dù khách hàng mua nhà đã đóng từ 60% đến 90% giá trị nhà. Theo hợp đồng, thời hạn giao nhà là cuối năm 2011. Đến nay, dự án dù đã được thi công xong phần thô nhưng hơn 2 năm qua vẫn chưa thể giao nhà cho khách vì thiếu vốn. Khách hàng đã nhiều lần đến chủ đầu tư để đòi quyền lợi và muốn biết khi nào có thể giao nhà, song họ chỉ nhận được câu trả lời: “Công ty đang rất nỗ lực và cũng không biết đến ngày nào mới bàn giao nhà được”. Theo ông Lý Trung Thành, Phó Giám đốc PVC Land, công ty cần hơn 130 tỉ đồng để hoàn thiện dự án.

Trong 23 quận, huyện của TP Hồ Chí Minh (trừ quận Tân Phú) có 1.108 dự án nhà ở, chiếm hơn 4.087 ha đất với 165.079 căn hộ. Hiện có 212 dự án đã hoàn thành, 896 dự án chưa hoàn thành.


Còn dự án KT ở quận 7 vay ngân hàng 1.300 tỉ đồng đầu tư vào một dự án quy mô lên đến gần 2.000 căn hộ. Đến nay, dự án đã dừng thi công hơn 2 năm, sau khi đã xây dựng được gần 50% khối lượng công trình. Số tiền vay gốc và lãi đã lên đến hơn 2.200 tỉ đồng, mỗi ngày phải trả khoảng 1,5 tỉ đồng tiền lãi. Hiện doanh nghiệp này đang cần 500 tỉ đồng để hoàn thiện dự án nhưng các ngân hàng không dám “bơm” thêm tiền. Tại các quận Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp, quận 9, Nhà Bè… cũng có rất nhiều dự án căn hộ trong tình trạng xây dựng xong móng hoặc xây xong vài tầng thì ngừng thi công. Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, hơn 90% dự án BĐS tại TP Hồ Chí Minh đang bị chậm tiến độ, trong đó có đến 70% dự án ngưng hẳn thi công.


Khó vay vốn


Ông Lý Trung Thành, Phó Giám đốc PVC Land cho biết: Dù thiếu vốn để hoàn thiện nhưng không thể “gõ cửa” gói tín dụng 30.000 tỉ đồng vì những căn hộ trên được xây dựng có diện tích trên 90 m2 và là nhà thương mại. Với gói tín dụng 50.000 tỉ đồng của 4 nhà liên kết, “cánh cửa” này càng khó khả thi vì dự án đã được thế chấp trước đó cho ngân hàng.


Hiện chủ đầu tư dự án đang loay hoay giải bài toán vốn, còn khách hàng mua nhà thì “nóng ruột” vì không biết khi nào dự án mới có thể hoàn thành. Trong cuộc họp khách hàng vừa qua, nhiều khách hàng của dự án Petroland Mark cho biết sẵn sàng đóng tiền tiếp để dự án được hoàn thiện. Thế nhưng, theo ông Thành, phương pháp này vẫn không thể thực hiện được vì nếu khách hàng có chuyển tiền thì cũng sẽ bị ngân hàng lấy trừ nợ. Do đó, điều cần nhất lúc này là ngân hàng cần khoanh nợ cũ thì dự án mới có cơ hội tiếp tục triển khai.


Theo ông Phạm Văn Hải, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc ACBR, thực tế không ít DN BĐS khi thực hiện dự án, nguồn vốn tự có chỉ từ 15 -20% tổng giá trị đầu tư, phần còn lại chủ yếu đi vay ngân hàng và huy động từ khách hàng. Tuy nhiên, cả hai kênh huy động vốn trên đang bị tắc, nên nhiều dự án không có khả năng hoàn thành.


Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Lê Thành nhận định, lối thoát tốt nhất cho các dự án đang xây dở dang là phải tìm được đầu ra của sản phẩm và vay được vốn với lãi suất thấp.


Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia BĐS, rất khó trông chờ vào nguồn vốn vay với lãi suất thấp. Cách tốt nhất để các doanh nghiệp có dự án đắp chiếu hiện nay tự cứu mình là bán dự án cho nhà đầu tư có năng lực tài chính để “cắt lỗ”.


Bài và ảnh: Hải Yên

Tồn kho bất động sản Hà Nội tiếp tục giảm
Tồn kho bất động sản Hà Nội tiếp tục giảm

Theo báo cáo Chỉ số giá Bất động sản khu vực Hà Nội quý 1 vừa được Savills công bố, tỷ lệ hàng tồn kho đã giảm 5 điểm so với cùng kì năm ngoái. Giá trung bình với mỗi m2 cũng giảm nhẹ theo quý.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN