Xét theo tiêu chí mới, tổng số hộ nghèo của tỉnh hiện có 40.348 hộ, chiếm 7,19%; tổng số hộ cận nghèo là 23.939 hộ, chiếm 4,2%. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã cho vay hộ cận nghèo là trên 597 tỷ đồng, tăng 5,6% và cho vay đối với hộ mới thoát nghèo là trên 307 tỷ đồng, tăng 233% so với năm trước.
Gia đình chị Nguyễn Thị Thắm, xã Tân Tiến, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương vay vốn chương trình hộ cận nghèo của Ngân hàng Chính sách Xã hội, đầu tư chăn nuôi, làm kinh tế VAC cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Nhờ được hỗ trợ vay vốn, nhiều hộ nghèo đã có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh. Ông Nguyễn Đắc Viện, xóm Tây Chính, xã Thạch Lỗi (huyện Cẩm Giàng) cho biết, gia đình ông là một hộ nghèo của xã. Những năm trước đây, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đã cho gia đình ông vay 20 triệu đồng, cộng với nguồn vốn vay mượn từ bạn bè, họ hàng, ông đầu tư mua giống cá trắm cỏ, chép, rô phi về nuôi. Mỗi năm, từ nuôi cá ông thu lãi 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng. Không những trả hết nợ ngân hàng, gia đình ông còn có nguồn kinh phí để tiếp tục phát triển sản xuất. Năm 2017 ông đã mạnh dạn vay thêm 50 triệu đồng từ ngân hàng để tiếp tục phát triển chăn nuôi.
Gia đình anh Đỗ Quốc Tuấn, thôn Mỹ Vọng, xã Ngọc Liên huyện Cẩm Giàng, là một gia đình nghèo và đặc biệt khó khăn. Do ảnh hưởng của chất độc màu da cam, anh Tuấn bị teo chân nên lao động rất vất vả. Trong nhà còn có mẹ già 90 tuổi, anh trai và chị gái cũng bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam nên làm việc rất khó khăn.