Huyện Tân Thạnh thuộc vùng Đồng Tháp Mười, hướng biên giới tỉnh Long An, người dân và chính quyền ở đây cho biết, chưa năm nào địa phương bị hạn kéo dài và xâm nhập mặn nhiều như năm nay. Hạn mặn đã bắt đầu ảnh hưởng đến cây trồng, cùng với các giải pháp thích nghi của chính quyền, người dân Tân Thạnh đang ngóng mưa lớn để kịp cứu những vườn cây ăn trái của mình.
Ông Nguyễn Thái Quân ở ấp Bằng Lăng, xã Tân Lập có vườn trồng mít rộng 1,6 ha. Ông đã chuyển đổi từ trồng lúa qua trồng mít khoảng 4 năm nay do thời điểm đó, cây mít mang lại lợi nhuận cao. Cây mít cho trái quanh năm, nhưng thời điểm này vườn mít của ông Quân đang bắt đầu bị ảnh hưởng lớn do thiếu nước tưới, và nước bắt đầu nhiễm mặn. Thiếu nước tưới và nắng gay gắt thời gian qua khiến thời điểm này khoảng 40% vườn cây của ông đổ lá vàng, suy cây, ông cho biết phải có mưa lớn lúc này thì may ra số cây này mới hồi phục.
Ông Nguyễn Thái Quân chia sẻ: “Năm trước vườn mít của tôi không bị ảnh hưởng gì, thì năm nay đã có 40% vườn cây có hiện tượng đổ lá, xuống cây rất nhiều. Giờ chỉ chờ mưa cho phục hồi chứ giờ không có cách nào, vì tình hình nước xâm nhập mặn thiếu nước tưới”.
Cây sầu riêng chịu được độ mặn dưới 0,5 g/l. Vườn sầu riêng của ông Trần Văn Chín, ấp Trương Công Ý là một trong những vườn sầu riêng có diện tích lớn trong xã Tân Lập, rộng 7 ha, trồng từ năm 2017. Với cây sầu riêng có thể áp dụng tưới tiết kiệm, nên hiện vườn của ông Chín chưa bị ảnh hưởng nhiều. Nhằm thích ứng với tình trạng hạn mặn năm nay, thời gian qua ông Quân áp dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm trong khi chờ mưa lớn.
Do đó mặc dù đã xuất hiện mặn nhưng vườn sầu riêng của ông chưa thiếu nước để tưới. Bình thường tưới cách ngày, khi có mặn 3 - 4 ngày tưới 1 lần. Đối với cây trồng, đất phèn thì có thể cải tạo đất, rải phân, tưới thuốc, cải tạo lại độ PH đất, riêng hạn mặn thì chưa có cách nào khắc phục. Do đó khi nghe chính quyền khuyến cáo mặn người dân dự trữ nước vườn tưới, và tưới rất hạn chế chứ không được thoải mái như bình thường.
Ông Trần Văn Chín chia sẻ: “Vùng này từng bị hạn mặn nhiều vào năm 2000 và 2016. Trồng cây sầu riêng khó khăn nhất là gặp hạn mặn, chúng tôi thường xuyên theo dõi tình hình và có báo về phòng nông nghiệp, xã - huyện hỗ trợ trạm bơm, trước khi có mặn, bơm nước vô vườn dự trữ để mình tưới, có mặn rồi nhưng còn trong khả năng cho phép tưới”.
Về khả năng chịu mặn của một số cây trồng: Thanh long và các loại rau ăn lá là nhóm cây trồng mẫn cảm với mặn (độ mặn thấp hơn 1g/l tức 1‰). Lúa, bắp, đậu, cam, quýt là nhóm cây trồng chịu mặn yếu (tối đa 2 g/l tức 2‰). Cà chua, ớt, bầu, bí, chuối, mía, bưởi, chanh là nhóm cây trồng chịu mặn trung bình (độ mặn tối đa từ 2 - 4 g/l tức 2 - 4‰). Xoài, sapo, mãng cầu Xiêm, dừa là nhóm cây trồng chịu mặn khá (độ mặn từ 3 - 8 g/l tức 3 - 8‰).
Hiện xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh có diện tích trồng lúa là 2.700 ha, sen là 20 ha, dưa lưới 4 ha, dưa hấu 4 ha. Trên địa bàn xã hiện có 419,5 ha cây ăn trái các loại gồm: Mít 254,3 ha, sầu riêng 130 ha, chanh không hạt 19,5 ha, dừa 4,2 ha, bưởi 5 ha, mãng cầu 2,5 ha, vú sữa 2,5 ha...
Trên cơ sở đánh giá khả năng chịu mặn của một số cây trồng, chủ trương của huyện Tân Thạnh khuyến cáo bà con không nên gieo sạ lúc này. Cách nay chục ngày, các xã lân cận xã Tân Lập đã có mưa lớn khiến độ mặn có nơi giảm, tuy nhiên địa phương vẫn khuyến cáo bà con khi nào có mưa lớn thì gieo sạ theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp.
Ông Võ Văn Điền, Chủ tịch UBND xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh cho biết, đối với các vườn cây ăn trái có đan xen lúa hiện nay địa phương khuyến cáo bà con không gieo sạ lúa để cứu các cây ăn trái khác. Trên địa bàn xã đã trữ nước ở các hầm đất để giải quyết trữ nước cục bộ, nên cơ bản hạn mặn ở địa phương hiện đang được xử lý tốt.
Thời gian qua địa phương đã tiến hành đo độ mặn ở nhiều nơi, nhiều khu vực từ huyện Thạnh Hoá, huyện Tân Thạnh, trên địa bàn xã, chính quyền thậm chí đo cả trong cả các vườn cây ăn trái để có chỉ số cụ thể thông tin cho bà con. Tại ấp Bằng Lăng, xã Tân Lập đã đo được độ mặn là 0,26 g/l, không tăng không giảm, với độ mặn này cây lúa vẫn có thể gieo sạ được.
Tuy nhiên, độ mặn dự báo có thể tích tụ dưới các con kênh nên cơ quan chức năng khuyến cáo bà con nên tự mua máy đo độ mặn. Dù khi trạm bơm và phòng nông nghiệp đã đo độ mặn, nhưng khi người dân cho nước vào ruộng, vườn vẫn phải đo để chủ động kiểm soát độ mặn của nước nhằm "trừ hao" rủi ro có thể xảy ra. Trong khoảng 10 ngày nữa, địa phương vẫn trong khả năng đối phó được với tình hình hạn mặn, ông Võ Văn Điền thông tin.