Tại giao ban trực tuyến Bộ Công Thương sáng 5/9, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành cho hay: EVN đang tính toán các phương án nguồn điện chạy dầu thay thế khi Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) ngừng cung cấp khí Nam Côn Sơn từ ngày 15-30/9 để bảo dưỡng sửa chữa đường ống định kỳ.
Theo ông Thành, các Nhà máy nhiệt điện sử dụng khí Nam Côn Sơn để phát điện ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Phú Mỹ và Nhơn Trạch trong hai tuần cuối tháng 9 này sẽ phải chuyển sang chạy dầu khi PVN ngừng cung cấp khí; riêng các nhà máy nhiệt điện của EVN ở cụm Phú Mỹ sẽ phát khoảng 630 triệu kWh điện chạy dầu.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chỉ đạo: Việc ngừng cung cấp khí Nam Côn Sơn sẽ ảnh hưởng lớn tới nguồn cung của hệ thống điện quốc gia do cụm các nhà máy điện này đã chiếm trên 20% công suất toàn hệ thống (khoảng 3.800 MW). Vì vậy, EVN và các đơn vị cung cấp điện khác như Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV), PVN cần có các phương án huy động tối đa các nguồn điện thay thế, đảm bảo điện năng cung cấp cho nền kinh tế xã hội.
Tại giao ban trực tuyến, đại diện các đơn vị cung cấp điện đã kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo EVN thanh toán tiền điện còn nợ đọng cho các đơn vị để đảm bảo nguồn kinh phí sản xuất điện. Về phía đơn vị phát điện, Phó Tổng Giám đốc TKV Nguyễn Văn Biên cho biết: TKV vẫn phải cố gắng huy động cao các nguồn phát điện trong những ngày ngừng cung cấp khí Nam Côn Sơn cho dù số tiền điện EVN nợ TKV tính đến thời điểm này đã lên tới 2.000 tỷ đồng. Đại diện PVN cũng cho hay: Số tiền mà EVN nợ PVN đã rất lớn gây khó khăn cho PVN trong việc đảm bảo kinh phí thanh toán tiền khí và duy trì hoạt động sản xuất điện của đơn vị thành viên.
Theo Dự báo của EVN, trong tháng 9, sản lượng điện của EVN sẽ đạt khoảng 314 triệu kWh/ngày, đảm bảo cung cấp khoảng 9 tỷ kWh điện trong tháng 9.
Nguyễn Kim Anh