Nghiên cứu phục tráng các giống lúa mùa đặc sản

Tiếp nối những thành công từ các giống lúa gắn liền với thương hiệu OM như: OM18, OM34, OM5451... chiếm phần lớn cơ cấu giống ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, thời gian tới, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long sẽ nghiên cứu phục tráng các giống lúa mùa đặc sản của địa phương và xây dựng những vùng sản xuất gạo đặc sản chuyên canh có giá trị hàng hóa cao, gắn với việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm gạo. Đây là cách để giữ gìn và nhân rộng các giống lúa mang đậm bản sắc văn hóa, ẩm thực địa phương.

Chú thích ảnh
Anh Dương Văn Siêu, Hợp tác xã Thuận Thắng, xã Đông Thuận, Thới Lai đang xem giống lúa OM34 phẩm chất tốt, cứng cây, bông nhiều hạt, hạt to, ít lép thích hợp cho vụ lúa Hè Thu sắp tới. 

Ông Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (gọi tắt là Viện Lúa) cho biết, Viện Lúa đã triển khai phục dựng giống lúa Tài nguyên Đục (lúa mùa ở Sóc Trăng) với 6.000 ha và xây dựng nhãn hiệu chứng cho giống lúa này.

Bên cạnh đó, Viện Lúa cũng sẽ nghiên cứu phục dựng các giống lúa mùa như: nàng Thơm chợ Đào, Nanh Chồn… Trong thời gian qua, quá trình canh tác các giống lúa này không được chuẩn nên bị thoái hoá. Vì thế, với công nghệ, kỹ thuật canh tác giúp tăng hiệu quả năng suất, chất lượng của giống lúa mùa đặc sản, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Ông Trần Ngọc Thạch cũng cho biết, theo định hướng chiến lược khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo và phục vụ cho Đề án Xây dựng và phát triển bền vững một triệu hecta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, gắn với tăng trưởng xanh cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Viện Lúa tập trung triển khai nghiên cứu chọn tạo giống lúa theo hướng nâng cao chất lượng gạo (phẩm chất gạo, giá trị dinh dưỡng và sử dụng...), phù hợp với biến đổi khí hậu cho vùng (chống chịu được sâu hại chính, hạn, mặn, phèn...) và nhu cầu của thị trường trong nước, xuất khẩu (gạo thơm, gạo chất lượng cao, gạo phục vụ chế biến, gạo nếp và đặc sản...).

Ngoài ra, Viện Lúa cũng sẽ nghiên cứu, đánh giá tiềm năng dinh dưỡng của các giống lúa và phát triển các sản phẩm có giá trị cao từ gạo và các chế phụ phẩm trong sản xuất và chế biến gạo; nghiên cứu phát triển các mô hình lúa luân canh với các đối tượng cây trồng và thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt điều kiện ngập mặn hạn và mặn ở vùng khó khăn, vùng nhiễm nước mặn trong hệ thống nuôi cá và tôm ven biển.

Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long có chức năng nghiên cứu  khoa học, chuyển giao công nghệ, dịch vụ và sản xuất, kinh doanh về cây lúa và hệ thống nông nghiệp phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong giai đoạn 2018 - 2022, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long đã được giao thực hiện nhiều nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ; trong đó, có kết quả nổi bật là chọn tạo giống lúa và chuyển giao giống lúa vào sản xuất: 16 giống lúa được công nhận chính thức hoặc công nhận cho lưu hành và 28 giống lúa được bảo hộ.

Bên cạnh đó, Viện Lúa cũng xây dựng quy trình canh tác lúa cho bốn tiểu vùng sinh thái và đang đưa vào áp dụng rộng rãi trong sản xuất ở Đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng quy trình canh tác lúa theo hướng hữu cơ trong hệ thống canh tác tôm lúa vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long;...

Các giống lúa OM do Viện Lúa lai tạo đang được trồng phổ biến và chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu gạo xuất khẩu. Các giống lúa của Viện Lúa là các giống chủ lực trong sản xuất vùng Đồng bằng sông Cửu Long như: OM5451 và OM18, với diện tích gieo trồng hàng năm mỗi giống từ 750.000 - 850.000 ha. Hai giống lúa này cũng đóng góp hơn 65 - 70% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện nay.

Thời gian qua, Viện Lúa đã ký kết với các đối tác là doanh nghiệp, hợp tác xã và trung tâm giống các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long để khai thác quyền sử dụng giống lúa OM trong sản xuất và kinh doanh.

Hàng năm, Viện Lúa cũng tổ chức sản xuất tại chỗ 220 ha và liên kết sản xuất trên 500 ha với các đơn vị trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long để cung ứng hàng năm từ 50 - 60 tấn giống siêu nguyên chủng, 800 - 900 tấn giống nguyên chủng và 3.500 -  4.000 tấn xác nhận cho các địa phương, góp phần đưa tổng diện tích sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long sử dụng hạt giống đạt tiêu chuẩn các cấp từ dưới 10% (năm 1999) lên 50 - 60% như hiện nay.

Tin, ảnh: Thu Hiền (TTXVN)
Trình diễn và đánh giá giống lúa vụ Đông Xuân 2022 - 2023
Trình diễn và đánh giá giống lúa vụ Đông Xuân 2022 - 2023

Ngày 16/2, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức trình diễn và đánh giá giống lúa vụ Đông Xuân 2022 - 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN