Chi phí tăng cao khiến nông dân Đồng Nai không mặn mà xuống giống lúa Hè Thu

Tại Đồng Nai, giá chi phí sản xuất nông nghiệp vẫn ở mức cao trong khi hiệu quả kinh tế mang lại thấp. Do đó, trong vụ lúa Hè Thu, nhiều nông dân không mặn mà xuống giống, chấp nhận để ruộng không chờ niên vụ sau canh tác.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Nguyễn Văn Trí/TTXVN

Trong vụ mùa này, gia đình ông Phùng Văn Tiến ngụ xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai có hơn 2.5 ha diện tích đất trồng lúa phải bỏ không, không canh tác. Nguyên nhân là do năm nay, chi phí đầu vào tăng mạnh, giá thuê máy cày, máy gặt cao, tiền giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều tăng phi mã, có loại tăng gần gấp đôi.

Trong khi đó, vụ lúa này nằm trong khoảng những tháng mùa mưa bão, lúa dễ bị ngã đổ, năng suất đạt thấp, giá bán cuối vụ lại bấp bênh. Do đó, lo sợ không đủ chi phí, gia đình ông Phùng Văn Tiến chấp nhận bỏ ruộng không, chờ niên vụ khác để xuống giống canh tác.

Ông Tiến, cho hay, trước đây, trung bình mỗi năm gia đình trồng 3 vụ lúa. Năm nay, ông đã bỏ 2 vụ, chỉ canh tác 1 vụ Đông Xuân. Dù ruộng bỏ không nhưng gia đình vẫn phải xịt thuốc cỏ để vụ sau canh tác lúa. “Làm lúa nhưng phải bù lỗ nên nông dân chúng tôi không làm nữa. Cánh đồng của tôi bỏ 70% còn 30% làm lại thôi”, ông Phùng Văn Tiến chia sẻ.

Xã Sông Ray là địa phương có diện tích lớn trồng lúa, trung bình mỗi năm bà con canh tác 3 vụ lúa gồm Đông Xuân, Hè Thu, Vụ Mùa. Niên vụ này, theo ước tính, có khoảng gần 20 ha diện tích đất lúa bị bà con nông dân bỏ không, một số diện tích khác bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang dâu tằm, ngô. So với các vụ khác trong năm, niên vụ này do ảnh hưởng yếu tố bất lợi của thời tiết nên hiệu quả kinh tế thường đạt thấp, nông dân cũng không mặn mà đầu tư chăm sóc. 

Theo các đại lý cung cấp vật tư nông nghiệp, hiện nay giá các loại vật tư, phân bón vẫn ở mức cao và tiếp tục có xu hướng tăng trong thời gian tới. Các mặt hàng như phân bón U rê, NPK tổng hợp, đạm… đều tăng gấp đôi, các loại giống cây trồng tăng 20%, thuốc bảo vệ thực vật tăng 20 - 50%.... Do giá tăng cao nên nông dân cũng hạn chế sử dụng, lượng bán ra thị trường trong thời gian gần đây cũng bị giảm mạnh.

Theo ông Nguyễn Duy Sáu, đại lý phân bón xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, thời điểm chuẩn bị xuống giống, đại lý phải bán nợ cho hơn 80% người dân tới mua, chỉ thu được khoảng 20% tiền mặt. Hiện các chủ đại lý cũng đang rất lo lắng vì giá vật tư nông nghiệp tăng khiến nông dân bỏ vườn không đầu tư và có đầu tư thu lại không có lợi nhuận, nông dân không trả được nợ cho đại lý.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Chủ tịch UBND xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ cho biết, hiện trên địa bàn xã có nhiều diện tích đất trồng lúa nằm ở khu vực trũng, do đó khi mùa mưa tới dễ bị ngập nước, lúa dễ đổ, năng suất kém. Hiện địa phương đang tập trung hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng hoặc trồng các loại cây ngắn ngày phù hợp với thổ nhưỡng để tránh tình trạng bỏ ruộng trống như hiện nay.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, hiện nay giá các loại vật tư nông nghiệp đang ở mức cao khiến cho việc sản xuất nông nghiệp của nông dân ngày càng gặp nhiều khó khăn. Do đó, trong thời gian tới, người nông dân cần chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang hướng hữu cơ, tăng cường sử dụng phân bón từ các nguồn nguyên liệu sẵn có như phụ phẩm trồng trọt, chất thải chăn nuôi để vừa cải tạo đất, giảm chi phí sản xuất nông nghiệp.

Lê Xuân (TTXVN)
Nông dân Bạc Liêu xuống giống rau màu phục vụ Tết Nhâm Dần
Nông dân Bạc Liêu xuống giống rau màu phục vụ Tết Nhâm Dần

Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần, thời điểm này tỉnh Bạc Liêu một mặt đẩy mạnh việc phòng, chống dịch COVID-19 để sớm trở lại trạng thái bình thường mới, một mặt tháo gỡ khó khăn, tập trung sản xuất vụ rau màu phục vụ nhu cầu tiêu thụ Tết Nguyên đán, giúp nông dân nâng cao thu nhập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN