Nghiên cứu định danh cho hình thức kinh doanh xe hợp đồng

Tại buổi Tọa đàm "Ứng xử thế nào với xe hợp đồng?" do Báo Giao thông tổ chức chiều 13/6, các chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý nhà nước nên có nghiên cứu để định danh cho hình thức kinh doanh xe hợp đồng sao cho phù hợp, đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện cho hành khách.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Tuyết Mai/TTXVN

Trên thực tế hiện nay, việc gia tăng nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, xe hợp đồng đang được người dân đón nhận bởi thuận tiện đi lại, mức giá phù hợp khả năng chi trả. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều tranh cãi về khái niệm, quy định hoạt động của loại xe này. Trong khi cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chức năng vẫn đang loay hoay trong quản lý, xử lý các phương tiện này, nhiều doanh nghiệp, đơn vị vận tải cũng trăn trở về mô hình hoạt động.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết: Vận tải khách theo hợp đồng đáp ứng nhu cầu về chất lượng dịch vụ ngày càng cao của hành khách nên loại hình dịch vụ này phát triển rất mạnh trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, ông Quyền cũng nhìn nhận hiện quản lý tuyến cố định quá chặt chẽ trong khi quản lý với xe hợp đồng còn quá lỏng lẻo, chưa thực sự bình đẳng. Ngoài ra, một số người cũng lo ngại liệu những người hoạt động theo xe hợp đồng đã đóng thuế có đầy đủ hay không.

Từ đó, ông Quyền cho rằng cơ quan quản lý nhà nước nên có nghiên cứu để định danh cho hình thức kinh doanh này sao cho phù hợp. Đồng thời, nên đưa loại hình kinh doanh này vào khuôn khổ pháp lý để quản lý, tạo điều kiện cho ngành vận tải phát triển theo hướng ngày một nâng cao chất lượng dịch vụ.

Đồng tình với quan điểm này, ông Đỗ Văn Bằng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng cho rằng, xe hợp đồng phát triển cả về số lượng, chất lượng phục vụ. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần đưa ra các đánh giá cụ thể. Những gì chưa theo kịp sự phát triển thì nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách quản lý, trên tinh thần “quản chứ không cấm” để ủng hộ doanh nghiệp phát triển.

Về ý kiến cho rằng việc gia tăng nhanh số lượng xe hợp đồng làm trầm trọng thêm việc ùn tắc giao thông, ông Lê Ngọc Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn X.E Việt Nam khẳng định xe hợp đồng cũng như những loại phương tiện khác khi tham gia giao thông đều có thể là tác nhân gây ra tình trạng ùn tắc. Nếu nói xe hợp đồng là nguyên nhân chính thì chưa đúng bởi loại phương tiện này chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số phương tiện tham gia giao thông trên đường.

Ông Nam cũng chỉ ra nguyên nhân xe hợp đồng thường xuyên đón trả khách ở khu vực nội thành là do khách hàng có khuynh hướng được đón trả tận nơi nên các doanh nghiệp phát sinh dịch vụ đưa đón khách.

Ông Nam đề xuất nghiên cứu đưa ra tiêu chí, tiêu chuẩn xây dựng điểm đón trả khách để doanh nghiệp phục vụ cho chính họ hoặc các đơn vị liên kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật, từ đó vừa giải quyết được cái khó của doanh nghiệp đồng thời cơ quan quản lý kiểm soát được mật độ xe về trật tự đô thị, an toàn giao thông. Không chỉ mọc lên tràn lan, xe hợp đồng còn không phát hành vé, không vào bến và có dấu hiệu “trốn thuế”.

Về vấn đề này, để tránh việc mất khả năng kiểm soát và thất thu thuế, bà Lê Thu Mai, Phó Vụ trưởng Vụ kê khai và kế toán thuế, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, phải xác định đối tượng xe hợp đồng có cơ hội tránh kê khai doanh thu như với xe gia đình (không cần hóa đơn). Trường hợp này, cơ quan thuế xác định hiện nay các loại xe thực hiện dịch vụ vận tải đều phải gắn thiết bị giám sát hành trình, xác định số km và giám sát điểm đầu, điểm cuối của xe.

“Chúng tôi rất cần các thông tin trên để quản lý quãng đường xe chạy, từ đó 'đấu tranh' để có thể xác định đúng nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp. Việc số hoá các hoạt động tại doanh nghiệp giúp các bên dễ dàng thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ thuế”, bà Mai nói.

Dưới góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết: Sau khi Luật Đường bộ và Luật Trật tự An toàn giao thông được thông qua, các quy định sẽ tiếp tục được thay đổi và điều chỉnh theo hướng quản lý chặt chẽ hơn, tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch cho các loại hình kinh doanh vận tải, tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý trong quá trình kiểm tra vi phạm.

“Cùng với đó, khi các văn bản có hiệu lực, cơ quan quản lý Nhà nước cũng khuyến khích các doanh nghiệp, cơ quan quản lý ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, xử lý các xe không tuân thủ quy định của pháp luật,” ông Hoàng Anh nói.

Đức Dũng (TTXVN)
Lo ngại phát sinh 'bến cóc' khi lập điểm dừng đỗ cho xe hợp đồng
Lo ngại phát sinh 'bến cóc' khi lập điểm dừng đỗ cho xe hợp đồng

Chủ trương mới nhất của Sở GTVT Hà Nội là khảo sát thêm các điểm cho phép xe hợp đồng dừng đón trả khách tại một số quận trung tâm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, có nguy cơ phát sinh "bến cóc" từ các điểm dừng đón này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN