Trước thực trạng này, ngành nông nghiệp Nghệ An đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân chống rét cho đàn gia súc, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, nhất là đối với đàn trâu bò.
Giải pháp được ngành nông nghiệp và các địa phương đưa ra là khuyến cáo nông dân không đưa gia súc ra đồng khi nhiệt độ xuống quá thấp, có rét hại; ủ ấm, hạn chế gió lùa vào chuồng nuôi; cho gia súc ăn uống đảm bảo, tăng lượng thức ăn có chất đạm, nước uống có muối khoáng cho gia súc. Tỉnh Nghệ An cũng nhân rộng một số mô hình phòng chống rét hiệu quả cho gia súc để nông dân biết, học tập.
Đơn cử, huyện Nghĩa Đàn là vùng trọng điểm chăn nuôi của tỉnh Nghệ An hiện có đàn trâu bò trên 82.860 con. Tại địa phương này, trước mùa rét hàng năm, ngành nông nghiệp phối hợp với các xã trên địa bàn tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nông dân phương pháp bảo vệ đàn gia súc khi gặp thời tiết mưa rét bất lợi. Nông dân một số xã ở huyện Nam Đàn, ngoài việc chống rét cho trâu bò bằng cách ủ ấm, che đậy không để gió lùa vào chuồng trại, còn thực hiện việc chống rét cho trâu bò bằng việc sưởi ấm bằng củi xung quanh chuồng nuôi và tăng lượng thức ăn rau xanh, cỏ cho trâu bò.
Nghệ An hiện có đàn trâu bò trên 725.458 con. Do ảnh hưởng của thời tiết, hàng năm vào mùa mưa rét nhiều trâu bò bị chết và ngã đổ. Đơn cử, từ năm 2015 đến nay đã có trên 2.478 con trâu bò bị ngã đổ, chết do mưa rét. Hiện nay tại Nghệ An, việc chống rét cho đàn gia súc, nhất là đàn trâu bò đang gặp khó khăn. Nguyên do tập quán nuôi nhỏ lẻ trong dân vẫn đang phổ biến; trong khi cách thức nuôi chủ yếu thả rông ngoài đồng hoặc trong rừng, thiếu đầu tư, chăm sóc. Tại một số huyện miền núi, những năm trước đã xuất hiện gia súc chết trong rừng do rét, nhưng các hộ nuôi không biết.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho biết, cùng với việc tập trung chống rét cho đàn gia súc, tỉnh Nghệ An đang thực hiện các giải pháp nhằm thay đổi phương thức chăn nuôi gia súc, trong đó có việc hướng đến chăn nuôi tập trung gắn với đầu tư chuồng trại, công tác thú y, thức ăn. Tại các huyện miền núi hạn chế dần phương thức nuôi thả tự do gia súc, nhất là trâu bò trong rừng.