Tập trung cho vùng cao
Tại Hà Giang, nhiệt độ ở các huyện vùng cao những ngày qua luôn hạ thấp dưới 0 độ C khiến sinh hoạt và sản xuất của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, toàn tỉnh có gần 200 nghìn học sinh phải nghỉ học để tránh rét. Đặc biệt, ở các xã biên giới, cơ sở hạ tầng tại các trường học còn tạm bợ, thiếu thốn; nhiều nơi giáo viên phải đi kiếm củi về đốt lửa ở sân trường để sưởi ấm cho học sinh.
Điều trị cho bệnh nhân liên quan đến thời tiết tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định. |
Huyện Mèo Vạc đã chỉ đạo các ngành chức năng tập trung phòng chống giá rét cho nhân dân. Đối với những trường có học sinh bán trú, huyện chỉ đạo tăng khẩu phần ăn trong những ngày giá rét để các cháu đủ dinh dưỡng và sức khỏe chống rét; kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ đủ chăn ấm cho các cháu, nhất là học sinh nội trú; sử dụng nguồn xã hội hóa trang bị thêm lò sưởi, máy sưởi bằng điện và trải thêm đệm. Một số nơi không có điều kiện thì chủ động đốt củi để sưởi ấm cho học sinh. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, UBND các huyện cũng chỉ đạo trung tâm y tế, trạm y tế các xã, thị trấn tăng cường ca trực, đảm bảo lượng thuốc đầy đủ, sẵn sàng tiếp nhận và xử lý những trường hợp bất thường liên quan đến sức khỏe của nhân dân.
Tương tự, nhiều biện pháp phòng, chống rét cho người dân tỉnh Lào Cai cũng đã được triển khai. Ông Nông Tiến Cương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh cho biết: Tại các cơ sở y tế, số chăn ấm đã được bổ sung gấp đôi, gấp ba so với ngày thường. Ngoài ra, hệ thống đèn sưởi, điều hòa hai chiều được trang bị đầy đủ, đường điện được gia cố đảm bảo không bị quá tải... Với sự vào cuộc kịp thời và hiệu quả của hệ thống y tế nên những ngày qua, mặc dù tình hình thời tiết băng giá mưa tuyết diễn biến phức tạp và kéo dài trên diện rộng ở hơn 50 xã vùng cao của tỉnh Lào Cai, song theo ghi nhận của các cơ quan chức năng, lượng bệnh nhân nhập viện khá ổn định, không có đột biến. Tại huyện Bát Xát, hiện công suất giường bệnh của Bệnh viện đa khoa huyện vẫn đáp ứng được nhu cầu. Bệnh viện đã chủ động tăng cường số giường bệnh đề phòng số bệnh nhân tiếp tục tăng trong thời gian tới. Cùng với việc giữ ấm, Bệnh viện đảm bảo đủ thuốc, phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết rét lạnh hoặc thay đổi bất thường gây ra, như các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, viêm đường hô hấp cấp…
Chú trọng việc giữ ấm
Theo các chuyên gia y tế, trẻ nhỏ và người già là 2 đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi thời tiết rét đậm, rét hại. Tại tỉnh Hưng Yên, do rét đậm, rét hại trong những ngày qua, số trẻ nhỏ nhập viện điều trị các bệnh về hô hấp và tiêu hóa đang tăng cao. Bệnh viện Sản nhi Hưng Yên mỗi ngày tiếp nhận từ 150 đến 180 trẻ đến khám bệnh, tăng 20% so với thời điểm trước. Trong đó, số lượng bệnh nhi dưới 6 tuổi chiếm khoảng 60%, chủ yếu mắc các bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa.
Bác sĩ Lại Thị Quyên, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên cho biết: “Do thời tiết chuyển rét đậm, rét hại. Số trẻ em điều trị các bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa tăng gần 2,5 lần, hiện có gần 20 trẻ nhập viện mỗi ngày. Nhiều trường hợp nhập viện khi bệnh đã chuyển nặng, do bố mẹ cho các cháu đến bệnh viện muộn”.
Bác sĩ Trần Văn Thành, Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An khuyến cáo: “Chỉ sử dụng than củi, tuyệt đối không sử dụng than đá và than tổ ong để sưởi ấm. Đặc biệt, không nên đốt than trong nhà và ở trong phòng bịt kín, khi đốt lửa sưởi ấm cần mở cửa phòng để có không khí trao đổi. Ngoài cách sưởi than truyền thống, người dân có thể sử dụng thiết bị sưởi ấm bằng điện như: Quạt điện, chăn điện, máy sưởi, điều hòa nóng… Với các thiết bị này người dân cần kiểm tra kỹ về đường dây điện tránh điện rò rỉ ra bên ngoài. Sử dụng thiết bị sưởi ấm trong thời gian ngắn và phải tắt thiết bị khi đủ ấm. |
Để phòng ngừa các bệnh về đường hô hấp trong tình hình thời tiết hiện nay, các bác sĩ lưu ý người dân cần chú trọng việc giữ ấm, hạn chế tối đa việc ra ngoài trời. Với trẻ nhỏ, cũng không nên giữ ấm quá mức, tốt nhất là không mặc quá 4 lớp quần áo cho các cháu. Ngoài ra cần vệ sinh cơ thể và vệ sinh môi trường sống thường xuyên, cho các cháu ăn những thức ăn giàu đạm, chất khoáng, vitamin... để tăng sức đề kháng cho trẻ. Khi phát hiện dấu hiệu bệnh, cha mẹ nên đưa con đến khám sớm tại các cơ sở điều trị và trung tâm y tế.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia y tế cũng cảnh báo người dân cần cẩn trọng khi sưởi ấm,tránh bị ngộ độc, thậm chí tử vong do sưởi ấm không đúng cách.Trong 3 ngày qua, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An và Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã tiếp nhận gần 10 bệnh nhân bị ngộ độc khí than, trong đó có 3 sản phụ mới sinh con ở các huyện Nam Đàn, Thanh Chương, thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò. Có trường hợp hy hữu là 5 người trong một gia đình cùng bị ngộ độc do sưởi than, trong đó một cháu nhỏ 18 tháng tuổi đã tử vong. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở, tức ngực, da niêm mạc tái, kém hồng, rối loạn ý thức.
Ngày 27/1, đại diện Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình cũng xác nhận thông tin một trong ba nạn nhân bị ngộ độc khí than đã tử vong sau khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Trước đó, ngày 26/1, bệnh viện này đã tiếp nhận 3 nạn nhân. Do ngộ độc nặng nên cháu Đoàn Phạm Thanh Hải, 14 tuổi, trú tại phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) đã tử vong khi nhập viện. Nhờ được cấp cứu kịp thời, hai nạn nhân còn lại là mẹ và chị của cháu Hải đang trong quá trình hồi phục sức khỏe.
Hiện nay, tại tỉnh Quảng Bình nói riêng và trong toàn quốc nói chung vẫn còn nhiều người thường đốt than để sưởi ấm nhất là trong những ngày giá rét. Theo các nhà khoa học, quá trình than bị đốt phát sinh ra nhiều loại khí độc như SO2, CO, CO2… Các loại khí này thường gây hôn mê dẫn đến tử vong...
Hà Nội bổ sung phương tiện chống rét cho người bệnh
Sở Y tế Hà Nội cho biết, liên tục trong mấy ngày gần đây nhiệt độ xuống thấp dưới 10 độ C, đặc biệt một số địa phương vùng núi như huyện Ba Vì đã có tuyết rơi khiến cho người già và trẻ nhỏ nhập viện tăng cao. Trước tình hình trên, Sở Y tế Hà Nội tổ chức các đoàn kiểm tra công tác chống rét cho người bệnh và nhân viên y tế tại các bệnh viện Xanh Pôn, Phụ sản Hà Nội, Đa khoa Đức Giang… Kết quả cho thấy các bệnh viện đều được trang bị điều hòa, quạt sưởi, chăn, đệm, người bệnh được cấp quần áo ấm. Riêng Bệnh viện đa khoa Đức Giang có hệ thống điều hòa trung tâm nhưng với các phòng đặc biệt như chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng, phòng đẻ, khoa hồi sức tích cực được bổ sung thêm quạt sưởi. Tuy vậy, tại các bệnh viện được kiểm tra vẫn chưa làm tốt việc phòng chống rét cho người bệnh đến khám chữa bệnh. Tại khu vực khoa khám bệnh, khu vực bệnh nhân ngồi chờ chưa có lò sưởi và quạt sưởi, ghế ngồi chờ bằng inox rất lạnh nhưng chưa được bổ sung nệm để người bệnh ngồi; khu vực hành lang của các khoa, phòng vẫn chưa chú ý khép cửa thường xuyên để tránh gió lùa.
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và Bệnh viện Xanh Pôn bổ sung thêm quạt sưởi, lò sưởi và đóng kín cửa ở các hành lang của bệnh viện. Hiện tại, hai bệnh viện đã khắc phục những tồn tại đảm bảo sức khỏe của người bệnh và của nhân viên y tế. Bệnh viện đa khoa Đức Giang cũng khắc phục ngay sự chênh lệch nhiệt độ giữa phòng khám, phòng bệnh với khu vực hành lang ngoài phòng bệnh tránh gây nguy hiểm cho sức khỏe của người bệnh, đặc biệt là người già và trẻ em.